Tôi nhìn vào gương mặt người bác sĩ trẻ này. Tôi ghen tị với gương mặt ấy: tròn trịa, tràn đầy sức sống. Tay cô ta, bàn tay cầm bảng gỗ kẹp những tờ giấy, thật mập mạp và khoẻ khoắn. Bàn tay ấy có thể làm bất cứ thứ gì cô ta muốn. Cô ta chẳng hề nhìn tôi khi nói về tôi. Cô ta chỉ nhìn xuống những tờ giấy, nhìn vào một tờ, một tờ nữa, rồi vào tờ trên cùng, miệng và mũi của cô ta được khẩu trang vải che kín. Tôi không muốn nghe nữa. Tôi quay nhìn mẹ tôi, người đang đứng cạnh giường của tôi. Mẹ tôi cũng mang khẩu trang, nhưng vì mẹ đang mặc trên người sắc xanh và vàng sặc sỡ, bà trông giống một phần ngôi làng của tôi, một cây ngô mùa hạ lẻ loi rực rỡ giữa những chiếc giường bệnh bằng sắt lạnh lẽo và những bức tường xi măng. Mẹ ơi, tôi muốn thầm thì, mẹ ơi, con muốn về nhà.
Đằng sau khẩu trang, miệng của người bác sĩ vẫn chuyển động. Nó chuyển động không ngừng. Tôi tưởng tượng ra đôi môi dày mềm mại. Tôi cũng từng có đôi môi ấy. Tôi cũng từng có những chiếc răng trắng khoẻ mạnh có thể nhai được thịt, lưỡi không bị lở loét, và cơ thể không hề bị bệnh. Tôi lại nhìn người phụ nữ già nua, mẹ tôi, người đã đi một chặng đường rất dài để đến thăm tôi. Con muốn về nhà, mẹ ơi, đây là ước nguyện của con.
Nhưng tôi không thể về nhà. Tôi biết là tôi không được phép. Theo người bác sĩ này và những y tá ở bệnh viện này, hơi thở của những người như tôi là một loại thuốc độc có thể lan qua không khí. Dù sao đi nữa, tôi cũng quá yếu để tự đi. Những cái chân vô dụng của tôi chẳng thể đưa tôi đi đâu được nữa cả. Thật mệt mỏi. Và khi tôi thở... ôi. Lửa không ngớt, dầu nấu sôi lục bục trong ngực tôi. Cả ho nữa. Vâng, đúng, đúng, rồi bụng cũng bị đau, tiêu chảy, phù nề gây bởi việc bị tiêm chích đau đớn trong nhiều tháng trời, và cuối cùng thì, như người bác sĩ này vừa mới thú nhận với mẹ tôi, chúng chẳng có nghĩa gì. Mẹ ơi, bao lâu? Bao lâu rồi con đã nằm đây như vầy, như một con chó què? Năm tháng, bốn, hay đã sáu tháng? Con không biết nữa. Mỗi ngày đều như vậy đối với những ai ở đây. Sau mỗi lần điều trị, chúng con cảm thấy kinh khủng đến nỗi chúng con quên đây là ngày hay đêm, ngày trong tuần hoặc cuối tuần. Chúng con quên rằng cuộc sống từng trôi về phía trước, và rằng đã có lúc chúng con cảm thấy mình khỏe mạnh. Nhìn kìa,mẹ của tôi, bà chẳng thể nghe thấy tôi. Bà đang lắng nghe, đang lắng nghe những gì bác sĩ đang nói. Đúng rồi,mẹ ơi. Con gái của mẹ, cô ấy không được về nhà. Cô ấy không được về.
Một cô y tá đang đến cùng chiếc xe đẩy để đo nhiệt độ cho tôi. Cô ta, người này đây, luôn di chuyển quá chậm chạp mỗi khi bác sĩ gọi. Nhìn cô ta như thể một cơn bão lười biếng di chuyển qua bầu trời mùa đông. Tôi đã quan sát và nghe thấy cô ta nói, nghe cô ta oang oang than phiền với người y tá khác. Nghe này! Cô ta nói. Những bệnh nhân này đang đòi hỏi quá đáng, còn bọn bác sĩ thì huyênh hoang ra lệnh cho chúng ta. Chỉ có hai đứa mình ở đây thôi, hai đứa để phục vụ hai mươi bệnh nhân bất lực, những đứa trẻ to xác. Này, nghe này! Hai đôi tay. Nếu họ đòi hỏi thêm từ chúng ta, họ xẻ chúng ta ra đi, xẻ chúng ta làm hai!
“Há miệng ra, Bongumusa, há ra”. Cô y tá giận dữ. Ngoan ngoãn, nhưng với một nỗ lực rất lớn, tôi phải há miệng theo lệnh của cô ta. “Há to ra, to nữa”. Há miệng để tạo chỗ cho cái nhiệt kế bằng thủy tinh dài ngoẵng. Trong tâm trí tôi, cái nhiệt kế còn tồi tệ hơn lưỡi giáo của thầy lang đang thọc vào một con bò bất lực. Sáng nay, khi mẹ tôi lau rửa cho tôi với chậu nước ấm, tôi nghĩ mình sẽ khóc mỗi khi tấm xốp cọ vào da. Trong giây lát này đây, lưỡi tôi sẽ đau rần rật như thể nó đã bị đánh mạnh, đâm sâu. Nhưng tôi sẽ không cho mẹ tôi thấy cô con gái duy nhất của bà đang phải chịu đựng thế nào. Mẹ tôi nhìn, mỉm cười và nghĩ rằng điều đó có thể làm cho tôi cảm thấy tốt hơn.
Tôi nhắm mắt lại. Tôi nếm vị kim loại nóng của lưỡi giáo. “Ngậm lại, giữ miệng ngậm. Thôi, há ra”. Tôi lại phải mở miệng. Bác sĩ nhìn nhiệt kế, gật đầu, rồi viết loằng ngoằng điều gì đó xuống bảng. Người y tá đẩy xe đi mà chẳng nói lời nào.
Mẹ ơi, mẹ đang nghĩ gì? Con có thể thấy mẹ đang chau mày. Trông mẹ đang bối rối, mẹ đang nghĩ gì, mẹ ơi? Con không phải là người đầu tiên mà mẹ trông nom, phải không ạ? Bao nhiêu người rồi nhỉ? Bốn người. Trước con là con rể của mẹ và hai anh trai của con. Đầu tiên là Fula, chẳng lâu sau đó là Buyisana, rồi Sipho của con. Mỗi người có một thân phận giống nhau, phải không mẹ?
Con biết, mẹ ơi, vì con cũng đã giúp chăm sóc mọi người, mẹ còn nhớ chứ? Con đã nhìn họ như bây giờ mẹ đang nhìn con, nhìn sự sống trượt dần đi như cát mịn, bị thổi đi từng chút mỗi ngày, cho đến khi chẳng còn gì nữa. Chúng ta đã chẳng thể làm gì cho họ, mẹ ơi. Kể cả loại thuốc đắt tiền làm từ máu dê. Vâng đúng rồi. Chồng con và hai anh con giờ đây đã được mai táng, con vẫn có thể nhìn thấy nơi đó rất rõ. Con thường đến thăm nơi đó trong tâm trí của con. Con từ bỏ thân thể vô dụng này và bay xuống ngọn đồi đổ dốc về hướng nam, sau căn nhà, nơi mộ của chồng con và hai anh con được đánh dấu bởi những chiếc thập tự gỗ bé nhỏ trên đất đỏ.
Khi gió thổi từ thung lũng qua làng, gió có còn xô ngã những chiếc thập tự không mẹ nhỉ? Mẹ có còn bảo Nomusa đi dựng chúng lên không? Mẹ đừng làm thế nữa, con bé không thích đâu. Nó sợ, những đứa trẻ trong trường đã nói nhiều điều với nó. Mẹ nên bảo Mbimbi đi.
Con chưa bao giờ kể cho mẹ nghe, mẹ ạ, nhưng ở đây, khi con sốt rất cao, con đã nhận được những lời nhắn từ hai anh và từ chồng con. Họ đã đến thăm con ba lần trong mơ. Họ đã nói với con rằng: máu của những tổ tiên vĩ đại của chúng ta đã đổ, đất đã uống máu ấy, và đó là lý do đất màu đỏ. Đất đỏ giờ đây giờ trở thành mồ của chúng ta. Rồi chẳng mấy chốc đất sẽ đỏ nữa, đỏ nữa, với tất cả những thi thể được đặt vào lòng đất. Rồi chẳng mấy chốc ai cũng ngửi được mùi máu, như kim loại ướt, như rỉ sét, cái mùi người ta có thể ngửi được khi giết thịt một con dê hoặc một con bò.
Một năm trước, từ khi sử dụng thuốc ARV, trước khi mắc bệnh lao, cái chết của tôi như thể đang ở rất xa. Mặc dù đã bị HIV, nhờ những viên thuốc, tôi tin có thể chiến thắng bản thân và căn bệnh, không chỉ ở trong cơ thể tôi, mà còn ở làng tôi và những thị xã quanh đó. Tôi đã mặc chiếc áo thun của một tổ chức từ thiện và tham gia diễu hành nâng cao nhận thức. Tôi đã có thể nhảy múa, vỗ tay, dậm chân và làm bụi cuộn lên. Tôi đã có thể hát, tung giọng lên trời cao và ngắm nhìn nó lăn như sấm từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác, rồi rơi xuống, chui vào tai của bất cứ ai muốn lắng nghe. Ở sự kiện tương tự cách đây một năm, tôi là giọng ca chính của đội văn nghệ. Ở nhà thờ, tôi luôn luôn hát cuối và đầu buổi thánh lễ. Giọng ca đẹp đẽ của tôi bây giờ đã biến mất, bị ho và nôn mửa khỏi người tôi.
Trước đó, tôi đã phản kháng lại những người cùng làng tôi – những người phỉ báng những phụ nữ như tôi vì họ đã nghe rằng căn bệnh HIV đến từ việc quan hệ tình dục với nhiều người đàn ông khi chồng chúng tôi đi làm ăn ở các thành phố. Một số người phụ nữ thậm chí còn bị người ta tấn công bằng dao rựa. Họ muốn đuổi những người phụ nữ ấy ra khỏi làng. Họ nghĩ những người phụ nữ đó đã bị nguyền rủa vì đó là điều một số thầy lang đã nói.
Tôi nghe mẹ tôi nói rằng ngày càng có nhiều hơn những cuộc diễu hành nâng cao nhận thức. Và ở các quảng trường, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng dành cho thanh niên vắng xơ vắng xác, người ta diễn những vở kịch về HIV. Vậy thì một số thứ đang được cải thiện? Đúng không? Tôi tự nhủ rằng đúng như vậy mặc dù trong sâu thẳm trái tim mình tôi không chắc lắm. Mùa xuân năm ngoái, những đứa con của tôi tham gia vào một trong những sự kiện hoành tráng ấy, được tổ chức cho những ai có cha mẹ hoặc người thân bị mắc bệnh hoặc đang hấp hối vì HIV. Những tấm áp phích của chính phủ dán tại các trường học và dọc theo những con đường trải nhựa nói rằng giáo dục có thể cứu các con tôi. Cứu chúng khỏi cái chết gây ra bởi virut HIV. Nhưng điều gì có thể cứu chúng? Và ai có thể cứu chúng? Một cuộc sống không có mẹ hoặc không có cha?
Tất cả những gì tôi biết giờ đây là nỗi đau đớn này, một ngọn lửa bên trong không thể nào dập tắt được, và về cảm giác tôi chỉ xoay xở bấu víu vào sự sống,quá sợ hãi về thời khắc phải buông tay. Sợ không phải cho tôi,bạn hiểu không? Không,tôi sợ cho ba đứa con tôi, vì thế tôi chiến đấu, vì thế tôi ở đây, hy vọng và cố gắng. Tôi cần phải nghĩ đến con mình, bạn hiểu chứ. Tôi cần phải biết rằng chúng sẽ ổn. Những đứa con gái? Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng chúng sẽ được an toàn. Tôi biết chúng có ý thức. Chúng nghe lời bà, chúng đến nhà thờ, chúng học hành cẩn thận. Nhưng con trai… thằng bé mới bốn tuổi, còn bé quá. Câu hỏi khó trả lời là, liệu tôi đã đầu tư đủ cho hai đứa con gái, đã dạy dỗ chúng đủ trong suốt 13 năm qua, để chúng có thể giúp em trai khi tôi không còn tồn tại trên cõi đời này nữa?
Tôi không đủ sức để có thể dạy cho hai đứa con gái và con trai của tôi bài học nào nữa. Tôi chỉ có thể nằm đây, thở, thở và thở. Mỗi một hơi thở cạn và nóng như lửa là một quyết định rằng tôi chưa thể đầu hàng. Vì thế tôi bám víu cho các con, vào các con - ba đứa con của tôi.
Và mẹ, mẹ ơi! Sáng nay khi mẹ đến,con đã thấy mẹ đã già đi rất nhiều và quá mệt mỏi vì những nỗi sầu muộn mẹ phải trải qua trong những năm vừa qua. Đáng lẽ một người phụ nữ ở độ tuổi của mẹ phải được nhiều đứa con chăm sóc, nhưng thay vào đó mẹ bị bắt buộc phải chăm sóc cho những đứa con, và cả những đứa cháu. Và chặng đường đó? Chặng đường mẹ phải cõng con – đứa con gái đã lớn của mẹ - trên lưng như một đứa trẻ để đến đây, bệnh viện của thị xã, thật khó khăn đối với mẹ. Mẹ đã phải dừng lại rất nhiều lần. Nếu chiếc xe chở hàng đã không xuất hiện và cho chúng ta đi nhờ, con không chắc rằng một trong hai chúng ta có thể tới được nơi đây. Con nhớ nhà quá, mẹ ạ. Con nhớ gương mặt của con người – những gương mặt không đeo khẩu trang, những gương mặt mà con yêu thương.
Đôi khi tôi không kìm được mình, bạn biết không, tôi vẫn còn yêu cơ thể này khi nhớ rằng nó đã từng làm được điều gì, và nó đã như thế nào. Sáng nay, liếc nhìn bàn tay phải khi mẹ tôi đang nhẹ nhàng lau những ngón tay với tấm xốp, tôi nhớ về tôi của ngày xưa. Đôi tay này, đôi tay hầu như không thể cử động được dưới tấm ga trải, và đôi khi không thể nâng được một chiếc cốc lên, đã từng là đôi tay rất đẹp, đôi tay biết nghĩ, luôn bận rộn nấu nướng, mang vác, hoan hô, âu yếm, quét dọn, may vá. Đôi chân này đã từng đi lại, dậm thình thình, nhảy múa. Bây giờ tôi không thể nhúc nhích những ngón chân, tôi không thể. Nhưng đôi khi trong tâm trí tôi, tôi vẫn làm những việc mà cơ thể tôi từ chối và trong những lúc đó tôi cũng tự hỏi liệu chúng ta cần thân thể không. Không có cơ thể, bạn giống như ngọn gió – tự do rong ruổi ở tất cả mọi nơi. Nhưng gió cũng cô đơn. Đó là lý do tại sao đôi lúc nó phải rú lên. Gió không rú đêm hôm trước hoặc hôm nay, tất cả đều im lặng. Nhưng tôi muốn nói cho bạn rằng đôi khi gió rú lên thật to ngoài bệnh viện này, hoặc xé toạc những căn nhà ở làng tôi, thổi tung những nóc nhà, lay bần bật những bản lề cửa và cửa sổ, cố gắng len qua lớp bùn, lớp gạch, những lớp rãnh để nó có thể ở bên chúng ta, chạm vào chúng ta, dẫu chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi; vì thế không ai không biết về sự cô đơn của gió.
Cái chết cũng rất cô đơn, đúng như vậy. Bệnh viện này là một nơi vô cùng cô đơn, mặc dù có rất nhiều người bệnh ở đây, những người đang run lẩy bẩy, rên rỉ, mồ hôi cơ thể bốc mùi cùng với chất khử trùng của bệnh viện. Những khuôn mặt trắng hoặc nâu mập mạp, khoẻ mạnh của các bác sĩ và y tá dường như đang ở sai chỗ. Họ là những người lạ ở nơi này, những kẻ còn sống giữa chúng tôi – những con ma tái nhợt đang vã mồ hôi. Tôi và những người đàn ông và đàn bà khác, trẻ và già, những người anh và người chị, chúng tôi thuộc về một bộ lạc duy nhất và bị chối bỏ, nhưng mỗi chúng tôi cũng đơn lẻ và bị tách biệt. Mỗi người đơn lẻ và bị tách biệt trong nỗi đau của mình, bạn có hiểu không.
Mọi thứ đều chết. Đó là điều bạn học được khi bạn nằm suốt ngày mà chẳng có gì làm ngoài việc nhìn ra ngoài cửa sổ bị khoá và quan sát những người bệnh ngày càng bệnh hơn theo mỗi độ trăng tròn. Mọi thứ đều có cái kết của nó - ánh sáng ban ngày, mặt trời, đêm, và mưa. Những cái cây lớn lên rồi úa tàn, thức ăn được nấu rồi bị ăn đi, những từ ngữ được thốt ra, biến mất vào ký ức, rồi dần dần bị quên lãng, bạn được truyền cho hy vọng, rằng bạn sẽ khoẻ hơn, sẽ khỏi bệnh, rồi hy vọng đó bị tước đi. Và những đứa con tôi? Chúng sẽ ra sao? Cuộc sống của chúng sẽ ra sao? Tôi biết khi tôi chết người ta sẽ cãi nhau về những đứa con tôi. Mẹ tôi nói với tôi rằng việc cãi vã đã bắt nguồn từ chị dâu tôi. Tôi muốn mẹ tôi nuôi bọn trẻ nhưng ai sẽ nghe tôi một khi tôi chết đi? Không phải vì tình yêu,bạn hiểu không. Họ không muốn nuôi bọn trẻ vì tình yêu mà bởi chính phủ trợ cấp cho những đứa trẻ mồ côi. Nếu tôi nghĩ về điều này lâu quá, nếu tôi để mình nghĩ về nó, Chúa ơi, đột nhiên tôi rất, rất tức giận, đến nỗi tôi bị cơn co thắt, nỗi đau sâu thăm thẳm từ trong ngực tôi. Lửa gầm lên. Tôi nếm thấy máu. Rồi tôi muốn đập, đánh, cắn, hét và quẳng tôi ra khỏi cái giường chết tiệt này và chạy, rơi ra khỏi cái bệnh viện này, chết trên đường về làng nếu tôi phải chết, vì một đứa trẻ cần đến mẹ của nó.
Tôi phải tự nâng mình lên. Tôi không thể cứ nằm thêm ở đây, im lặng như một hòn đá, một con chó què khi cô nói chuyện, cô bác sĩ ạ. Tôi sẽ về nhà, tôi sẽ về. Kệ xác cô, bác sĩ ạ. Tôi cố gắng nhỏm dậy, đẩy thân hình mình lên nhưng tôi chỉ có thể nhe răng ra và rên. Này. Cô ta đang nhìn tôi. Ồ, nhìn này, cô ta trông rất lo lắng, đôi mắt của cô ta. Đừng, đừng chạm vào tôi, đừng. Miệng cô ta đang liếng thoắng điều gì đằng sau khẩu trang? Bây giờ họ đang tới, chầm chậm tiến tới từ. Họ hét lên điều gì với Mẹ. Đến trường học đi! Không đến trường! Cầm những quyển vở của mày, ném chúng vào bếp! Cút đi! Họ đang hét lên với những đứa con tôi trong nhà tôi ở làng tôi. Cút đi!
Đúng, đúng rồi, đúng lắm. Tôi giận dữ. Nhưng tôi không cần nghỉ ngơi. Không! Bác sĩ đang đưa Mẹ đi, nhưng đi đâu? Tôi nhìn bà, mẹ tôi, người phụ nữ già nua bị lôi đi cùng cái túi đậu mà bà đã hái từ đất đỏ của dân tộc tôi, mảnh đất đầy máu từ những cơ thể, những dây nhau, và tất cả những gì chúng tôi đã chôn, cả những đứa con của tôi nữa. Tôi nhìn hết thảy họ bỏ đi, tôi thấy hết, Mẹ và những đứa con tôi, chồng tôi và những người anh của tôi bị một lỗ đen nuốt chửng. Sẽ sớm có một đất nước của những đứa trẻ mồ côi. Sẽ rất sớm. Những người y tá đang tới. Những đôi tay khoẻ khoắn của họ sẽ đẩy tôi nằm xuống, xuống chiếc gối này. Những cái miệng bịt khẩu trang của họ sẽ nghiêm khắc cảnh báo với tôi về sức khoẻ của tôi và sức khoẻ của những bệnh nhân khác. Tôi vô ơn quá,họ không thể nào tin được. Ôi, hãy xuống địa ngục đi, các người không biết rằng chúng tôi đang chết à? Chúng tôi cần phải mang ơn điều gì chứ? Tôi phải nói cho họ biết, tôi phải để những người y tá này biết.
Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ mồ côi, bạn hiểu không. Tôi hoàn toàn đơn độc. Những đứa con của tôi không thuộc về tôi nữa. Mẹ tôi không thuộc về tôi nữa. Cơ thể của tôi không thuộc về tôi nữa. Tôi là một đứa trẻ mồ côi, bạn hiểu không? Tôi bị tách biệt khỏi mọi thứ, khỏi mọi người.
Truyện ngắn của Meg Vandermerwe (Nam Phi)
Nhà văn Meg Vandermerwe hiện đang giảng dạy môn Viết sáng tạo và Văn học Anh tại trường đại học Western Cape, Nam Phi. Các tác phẩm của cô đã được xuất bản tại Nam Phi, vương quốc Anh và Mỹ. Cô là tác giả của tập truyện ngắn This Place I Call Home (2010) và tiểu thuyết Zebra Crossing (2013), trong đó tiểu thuyết Zebra Crossing được tờ báo Cape Times đánh giá là một trong 10 quyển sách hay nhất của Nam Phi được xuất bản năm 2013.