Xếp trên Hàn Quốc, Thái Lan?
Về danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông”, trong tác phẩm France in Indochina: Colonial Encounters xuất bản vào năm 2001, TS Nikki Cooper (Đại học Bristol) giải thích sau khi chiếm Việt Nam, Lào và Campuchia làm thuộc địa gộp thành xứ Đông Dương vào năm 1885, Pháp và Anh đã có một sự chạy đua quyết liệt.Pháp muốn Đông Dương trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông” để đối ứng với “Viên châu báu trên vương miện”của Anh là Ấn Độ. Như vậy, thành phố Sài Gòn chỉ là thủ phủ của “Hòn ngọc Viễn Đông” bao gồm toàn cõi Đông Dương.
Trên nhiều diễn đàn, một số học giả, chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng “Hòn ngọc Viễn Đông”gắn liền với quá khứ vàng son, tươi đẹp, ấm no và đáng tự hào của Thành phố Sài Gòn trước khi bị hủy hoại bởi chiến tranh và một số chính sách quản lý kinh tế sai lầm. Trên một tờ báo lớn ở TPHCM phát hành cuối tháng 3/2016 còn khẳng định: “50 năm trước, ông Lý Quang Diệu nhìn về Sài Gòn và mơ ước Singapore sẽ được như Sài Gòn. Khi đó Singapore chỉ là một làng chài, nay họ là đô thị số 1 trong khu vực, cả về kinh tế và chất lượng sống”.
Một cựu lãnh đạo UBND TPHCM từng cho rằng vào năm 1975, Sài Gòn có 3,5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người cỡ 360 USD/nămthì không thể là số 1 của khu vực Đông Nam Á. Ý kiến này đã bị một số chuyên gia phản đối. Họ cho rằng đến năm 1975 kinh tế miền Nam và Sài Gòn nói riêng đã kiệt quệ sau cuộc chiến tranh kéo dài.Năm 1975, GDP bình quân đầu người của miền Nam chỉ còn 44 USD, bằng 1/5 so với 15 năm trước, cho nên thủ đô của miền Nam là Sài Gòn tất yếu phải rất nghèo.
Cụ thể: Năm 1960, GDP bình quân đầu người của miền Nam là 223 USD, cao hơn Hàn Quốc (155 USD), Thái Lan (101 USD), Trung Quốc (92 USD), Ấn Độ (84 USD). Chỉ có hai nước trong khu vực có GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam là Malaysia (299 USD) và Philippines (257 USD). Những năm trước thế chiến thứ hai, GDP của Nam bộ bằng 160% của năm 1960, và GDP đầu người của Nam bộ cao thứ nhì châu Á, chỉ đứng sau Nhật. Nam bộ đã giàu có như vậy, làm sao thủ phủ của nó là Sài Gòn không giàu có và chắc chắn rằng Sài Gòn đã từng có một quá khứ đáng mơ ước.
Một số ý kiến cho rằng huy hiệu (logo) Sài Gòn đã nói lên ý khát vọng muốn phát triển Sài Gòn lên đỉnh cao của người Pháp sau khi đánh chiếm vùng đất này làm thuộc địa. Huy hiệu do Hội đồng thành phố Sài Gòn duyệt năm 1870 khắc hình con cọp và cây cảnh Sài Gòn, bên dưới có dòng chữ Latin “Paulatim Crescam” (tạm dịch: “Từ từ tôi sẽ phát triển lên”) để làm phù điêu treo ở phòng khánh tiết Dinh Xã Tây, sau này là Tòa thị chính Sài Gòn.
Thực tế Sài Gòn đã phát triển vượt bậc, đứng hàng nhất, nhì trong số các thương cảng thuộc địa của Pháp.
Trong giai đoạn này, Sài Gòn đón nhận những con người năng động nhất đến từ khắp nơi, tìm cách làm giàu ở thương cảng lớn này. Vết tích kiến trúc nhà cửa của họ hiển hiện khắp nơi.Từ mạng lưới ngõ xóm của người Việt, nhà dãy dạng “shophouse” (nửa ở nửa buôn bán) của Hoa kiều Hồng Kông, Singapore, Hoa Nam, phố “bazaar” (cửa hàng buôn và ở) của người Chà Chetty (Nam Ấn Độ), rồi người Java, Mã Lai, người Tagal (Philippines), phố Tây, đặc biệt là dạng villa vườn của người Pháp, người Bỉ, người Đức...
Kênh Nhiêu Lộc năm 1956 ảnh tư liệu
Chỉ là sự ngộ nhận?
Không phải là hòn ngọc của người lao động nghèo
Nhiều chuyên gia cho rằng, Sài Gòn ngày xưa dù có lộng lẫy đến mấy vẫn không là hòn ngọc đối với thợ thuyền, công nhân xưởng đóng tàu Ba Son, các cu li, bốc vác ở cảng Sài Gòn hay phu xe kéo và đông đảo người dân lao động bản xứ phải chạy ăn từng bữa mang trên mình thân phận nô lệ, mất nước, mất độc lập tự do. Quá khứ về một “Hòn ngọc Viễn Đông” với những dấu ấn thuộc địa chẳng có gì đáng tự hào so với một đầu tàu kinh tế năng động TPHCM hôm nay.