Để mời được Lê Khanh vào vai Thái Tuyết Mai trong “Gái già lắm chiêu 3”, hai đạo diễn trẻ Bảo Nhân và Namcito đã ra Hà Nội, tới tận nhà riêng của chị thuyết phục. Chính hai nhà làm phim đã nhắc Lê Khanh: Hơn 20 năm rồi chị không xuất hiện trên màn ảnh rộng, kể từ bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng (Mùa hè chiều thẳng đứng). Lê Khanh ngẩn người, không tin thời gian trôi mau thế. Chị quyết định trở lại trong một bộ phim được người ta gắn mác “thị trường”. Nhưng, có sao? Cả nước biết người đàn bà đẹp thích lối sống chậm, nâng niu những giá trị truyền thống, ra sức bảo vệ tết cổ truyền… Song đó chỉ là Lê Khanh của đời thường. Trong nghệ thuật, người ấy lại thích bay nhảy, ham thử nghiệm, khám phá.
Lê Khanh hoạt động song song trên cả hai lĩnh vực: Sân khấu và Điện ảnh. Cứ khi cảm thấy sân khấu hơi bí bách, nhàm chán, chị lại nhảy sang điện ảnh: “Đối với nghệ thuật, tôi không chịu được sự bằng bằng, lặp lại…”, chị nói.
Có giai đoạn khán giả gặp Lê Khanh ở sân khấu phía Nam cộng tác với “Ngôi nhà” của Thành Lộc. Có giai đoạn chị ở miết Sài Gòn vài năm chỉ để làm phim, mỗi năm quay ra Bắc đóng một vở kịch rồi lại vào… Đừng nghĩ Lê Khanh chỉ đóng phim thuộc dòng nghệ thuật. Chị là một trong những nghệ sỹ miền Bắc tiên phong tham gia phim thị trường miền Nam. Lê Khanh từng được coi là một trong những “bóng hồng” trên phim của Chánh Tín, khi chị đóng cặp với anh trong “Chiếc mặt nạ da người”, “Bản tình ca cuối cùng”. Cho nên, sự xuất hiện của Lê Khanh trong “Gái già lắm chiêu 3” không đáng ngạc nhiên.
Mặc dù, ban đầu chị cũng hơi lăn tăn về tên phim… Nhưng “Gái già lắm chiêu 3” có quá nhiều thứ hấp dẫn Lê Khanh. Hai đạo diễn trẻ khôi ngô, nói năng điềm đạm, lại còn hứa, nếu chị nhận lời sẽ viết nhân vật Thái Tuyết Mai theo kiểu “đo ni đóng giày” cho chị. Còn nữa, “Gái già lắm chiêu 3” quay chủ yếu ở Huế. Lê Khanh thích không khí, không gian sống của Huế: “Đất Huế cũng ghi dấu sự nghiệp của tôi. Phim đầu tiên tôi tham gia “Từ một cánh rừng” của đạo diễn Đức Hoàn, có đến 1/3 cảnh quay ở Huế. Khi tôi chính thức là người của Nhà hát Tuổi Trẻ, trong chuyến biểu diễn xuyên Việt thì Huế cũng là thành phố đầu tiên chúng tôi đặt chân. Ở Huế, tôi có những người bạn vô cùng đặc biệt, yêu thương nhau đến tận bây giờ”…
NSND Lê Khanh góp phần không nhỏ thành công về mặt doanh thu cho bộ phim. Sau 2 tuần công chiếu “Gái già lắm chiêu 3” cán mốc 165 tỷ đồng, bước vào top 5 phim Việt ăn khách nhất. Diễn xuất của Lê Khanh vẫn như thường thấy, không có điểm để chê.
Hóa thân thành người phụ nữ thượng lưu xinh đẹp, cực đoan không có gì khó với Lê Khanh: “Vai Thái Tuyết Mai nhẹ thôi”, chị đánh giá. Nếu ai đã từng yêu Lê Khanh trên sân khấu sẽ biết chị “cân” đủ loại vai. Năm 1986, Lê Khanh sắm vai nữ anh hùng dân tộc Pháp Jeane d’Arc. Chị cũng từng đóng vua, vai Lý Chiêu Hoàng trong kịch “Rừng trúc” (Kịch: Nguyễn Đình Thi, dựng vở: Đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi) hay quận chúa Min- fo trong tác phẩm kinh điển “Âm mưu và tình yêu” của Schiller … Có dạo, Lê Khanh quay sang hài kịch với “Đời cười 1”, “Đời cười 2”. Nhiều khán giả không tin ở mắt mình khi người đàn bà đẹp bỗng dưng hóa thành bà già điếc 85 tuổi mới lấy chồng hay người đàn bà tham lam, hay bắt nạt chồng, có thói quen giấu tiền trong giày… Đến nay, Lê Khanh đã vào vai cả trăm cuộc đời từ sân khấu sang điện ảnh.
Sau “Gái già lắm chiêu 3”, Lê Khanh “say” người trẻ: “Các bạn trẻ tuổi nhưng chỉn chu, chín chắn. Bảo Nhân kỹ tính lắm, kỹ tính hơn cả các nghệ sỹ lão thành, săm soi từng chút một, từng nét diễn tinh tế, bao giờ phải đúng ý mới thôi”, chị nhận xét.
Nhưng Lê Khanh đâu kém lớp trẻ ở sức làm việc. Chị chạy ngược, chạy xuôi suốt. Lý do khiến 20 năm sau “Mùa hè chiều thẳng đứng” Lê Khanh mới có dịp tái ngộ khán giả màn ảnh rộng vì chị bị sân khấu lôi cuốn. Năm 2014, chị từng tạm xa gia đình để sang Nhật tu nghiệp 4 tháng về sân khấu. Từ năm 2014 đến nay không năm nào Lê Khanh không sang Nhật công tác, khi đi biểu diễn, lúc tập kịch: “Nhiều nhất khoảng 4 tháng, trung bình khoảng 1 tháng, ngắn nhất khoảng 10 ngày. Cứ thấy dự án hay, lạ là tôi lại xách va li lên đường”.
Trước “Gái già lắm chiêu 3”, Lê Khanh từng lỡ dăm dự án phim ảnh, trong đó có dự án của đạo diễn Phan Đăng Di: “Hai chị em hẹn hò với nhau xong rồi, chỉ đợi ngày thực hiện. Nhưng chắc có những lí do đặc biệt gì đó nên Phan Đăng Di cứ lùi, nửa năm, rồi nửa năm nữa”, nghệ sỹ giải thích. Trong khi đợi Phan Đăng Di, Lê Khanh tham gia bộ phim truyền hình của VFC “Mẹ ơi, bố đâu rồi?”, 42 tập. Xong “Mẹ ơi, bố đâu rồi?” vẫn chưa thấy Phan Đăng Di gọi, Lê Khanh lại tranh thủ tham gia “Gái già lắm chiêu 3”. Rồi tháng 4 này lại tiếp tục với một dự án phim ảnh lớn…
Có người hỏi Lê Khanh: “Từ ngày về hưu, thấy thế nào?”. Người đàn bà không tuổi đáp: “Tôi không có chữ đó ở trong đầu”. Khi rời Nhà hát nghệ sỹ nói vui: “Một phút mặc kệ bắt đầu”. Bây giờ Lê Khanh hoàn toàn thoải mái, muốn cộng tác với ai, với đơn vị nào tùy thích, không phải ý tứ như thời ở Nhà hát Tuổi trẻ. Tôi hỏi Lê Khanh: “Cát- xê của NSND có cao không?”. Chị tiết lộ: “Cũng tùy. Những dự án nhà nước có khung rồi”. “Còn phim doanh thu trăm tỷ thì sao?”. Chị cười nhẹ: “Cũng không quá nhiều đâu, bởi các bạn ấy cũng phải chi tiêu rất lớn mà khi nhận vai tôi cũng chưa biết hiệu quả thế nào. Tôi không quá đòi hỏi… Sự giao duyên này chỉ với mong muốn làm sao chị em cộng tác với nhau ra thành quả tốt”.
Với những đạo diễn trẻ như Bảo Nhân, Namcito, họ chỉ biết đến chị với vầng hào quang trong quá khứ. Còn Lê Khanh của hôm nay ra sao thì chị cần chứng minh. “Tôi không ngại phải bắt đầu lại”, chị nói.