Từ cơn sốt 'Ghen cô Vy"…

Cha đẻ “Ghen cô Vy” đang những ngày trên mây ảnh: Internet
Cha đẻ “Ghen cô Vy” đang những ngày trên mây ảnh: Internet
TP - “Ghen cô Vy” không chỉ khiến những người sinh ra nó vui mừng vì sự lan tỏa đã vượt ra ngoài biên giới, mà còn khiến nhiều khán giả trong nước phát cuồng. Có người còn tin rằng, “Ghen Cô Vy” sắp sửa “đọ” được với Baby Shark, video được coi nhiều thứ 2 trên YouTube, với 4,68 tỷ lượt xem.

Đưa người lên mây là có thật?

“Ghen cô Vy” vì sao “nóng”? Có thể tham khảo một bình luận mang tính tổng kết từ một khán giả: “Một bài hát vui nhộn, rất ý nghĩa vào đợt dịch phát sốt”. Nhưng cần nói thêm, nếu không nhờ báo chí quốc tế để mắt tới, thì “Ghen cô Vy” cũng khó sốt tới mức này. Có những người dành thời gian theo dõi từng chuyển động của “Ghen cô Vy”: “Lên sóng truyền hình Pháp rồi nhé”; “Cứ thế này mà phát huy. Việt Nam cố lên”… Họ dõi theo “Ghen cô Vy” không khác nào theo dõi trận túc cầu có đội Việt Nam của HLV Park Hang-seo tham gia ở thời kỳ thăng hoa.

Người đang sống trong mây lúc này chính là Khắc Hưng, cha đẻ ca khúc “Ghen cô Vy”: “Tuổi trẻ tài cao”; “Việc Khắc Hưng làm không hề nhỏ. Bạn đã và đang đem văn hóa Việt Nam lan tỏa trên khắp thế giới, với sức lan tỏa nhanh và mạnh hơn gấp bội lần con virus Corona (…) Bạn là niềm tự hào, là niềm hãnh diện của tôi nói riêng và người dân Việt Nói chung” v.v.. Một số bình luận “sởn gai ốc”.

Đừng ai dại nói lời chê “Ghen cô Vy” vào thời điểm “hừng hực khí thế”. Nhiều khán giả đang mong đợi một bản tiếng Anh để “lan tỏa thế giới” thì một độc giả đi ngược chiều gió lại viết: “Tôi khuyên thật lòng với đội ngũ tác giả là “không nên phung phí công sức để làm tiếp một phiên bản khác (tiếng Anh) làm gì” và để công sức đó sáng tác các tác phẩm khác hay hơn. Vì bài hát này thuộc dạng mỳ ăn liền, tức là nó sẽ thoái trào ngay sau vài ngày, hoặc vài tuần, vì tính sáng tạo thì ít mà ăn theo “trend” thì nhiều. Điều này không giữ chân được khán giả lâu, dù bài hát vui nhộn. Hơn nữa, có bạn nào sau khi xem xong mà đọng lại được trong đầu để thay đổi cách sinh hoạt không? Tôi nghĩ là không nhiều. Dù các bạn có ra bản tiếng Anh nữa thì nó cũng chìm theo “trend” mà các bạn đã theo thôi”. Chẳng cần ê kip lên tiếng, ngay lập tức đã có người “vặn” lại kẻ đã đưa ra “lời khuyên thật lòng”: “Mấy khi được dịp cả thế giới biết, bỏ vài tỷ cho 1 MV mỳ ăn liền tôi cũng chấp nhận”.

Khen hay chê, thích hay không tùy khán giả, còn ê kip “Ghen cô Vy” rần rần loan báo, sắp tung ra bản tiếng Anh đến nơi. Nghe đồn, “Ghen cô Vy” đã đi vào đề thi Ngữ văn ở một trường THPT của một tỉnh miền Bắc: “…Cùng rửa tay xoa xoa đều/Đừng cho tay lên mắt mũi miệng/Và hạn chế đi ra nơi đông người/Đẩy lùi virus Corona…”. Câu hỏi từ đề thi: Lời bài hát trên được viết theo thể thơ nào?...

Những trái “bom xịt”

Qua sự đình đám của “Ghen cô Vy” một khán giả hi vọng: “Sắp tới ai đó viết lại lời bài hát “5 ngón tay xinh” phòng chống xâm hại trẻ em thành bài hát “5 ngón tay sạch” phòng chống COVID-19, Bài “5 ngón tay xinh” cũng có thể nổi, nếu được Tây để mắt tới”. Nổi hay không chẳng lẽ chỉ do “người ngoài” định đoạt? Mà được “Tây” để mắt tới và nổi tiếng như “Ghen cô Vy” đã đành.

Trong làng giải trí Việt, từng có chuyện dựa hơi “quốc tế” gây cười. Ấy là “ca” Lý Nhã Kỳ và Vũ Thu Phương khua chiêng  vào phim Hollywood, sánh vai bên các đàn anh, đàn chị đình đám John Cusack, Củng Lợi, Châu Nhuận Pháp, Jeffrey Dean Morgan…

Chờ đợi bao nhiêu, tự hào bao nhiêu cuối cùng “thượng đế” bị rơi từ mặt trăng xuống mặt đất khi  hai người đẹp chỉ “roẹt” qua màn ảnh vài giây, trong vai những vũ nữ vô danh. 9 năm sau, Vũ Thu Phương có giải thích lí do của “bom xịt” Shanghai nhưng dư luận không đồng cảm bao nhiêu.

Cũng từ đây, người ta dè chừng khi mỹ nhân nào đó tung kế hoạch “Mỹ tiến”.  Mới đây, hình ảnh của đường phố Sài Gòn xuất hiện trong trailer phim hành động của hãng Disney làm rạo rực bao người. Có người đã khấp khởi mừng với ý nghĩ, Disney xem Việt Nam “là thị trường tiềm năng”. Nhưng người bình tĩnh hơn thì nói: “Cũng bình thường, nhiều địa điểm trên thế giới vẫn xuất hiện trong các phim bom tấn”.

Câu chuyện gây “sốt” nhờ “Tây để mắt” không chỉ dừng lại ở làng giải trí mà còn lan sang cả làng văn. Nhớ cách đây vài năm, một, hai thi sĩ ở ta đoạt một giải thưởng văn học của Thụy Điển, giải thưởng lại mang tên một tập thơ của một nhà thơ lớn nước này từng được giải thưởng Nobel văn học 1974. Chỉ vì vậy, nhiều người đã vội vàng nghĩ nước ta đã có những tia hi vọng về giấc mơ Nobel. Và đến nay, hiện thực đã trả lời “giấc mơ chỉ là giấc mơ”. Bao lần mừng hụt vẫn không chừa. Thế mà người ta luôn nhắc nhau: “Vui thôi, đừng vui quá!”. 

MỚI - NÓNG