Ngày 3/2, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy thay mặt Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký Công điện 396 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh. Công điện mới nhất của Bộ nhằm triển khai Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 2/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các tỉnh đã công bố dịch. Các địa phương tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người; kịp thời thông báo cho nhân dân, du khách biết, thực hiện.
Bộ cũng đề nghị địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có) việc chấp hành các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản, Công điện của Bộ VHTTDL về tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Sau các công điện, công văn về tạm dừng lễ hội để phòng, chống dịch bệnh corona, Bộ VHTTDL có những giải pháp gì? Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp Cục Di sản Văn hóa, Thanh tra Bộ kiểm tra công tác quản lý lễ hội tại một số địa phương trong phòng, chống dịch bệnh corona gây ra. Bộ đặc biệt giám sát việc tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng tại các địa phương có dịch.
Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cho biết, đoàn thanh tra tới kiểm tra tại nhiều tỉnh có dịch, hoặc các tỉnh có lễ hội lớn và di tích-danh lam thắng cảnh thu hút đông đảo du khách như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bộ có các cuộc kiểm tra đột xuất nhằm kiểm tra việc thực hiện dừng, giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội; giảm các hoạt động trong lễ hội; hạn chế tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người tham gia; đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương vào cuộc
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Ngọc Oanh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ ngày 31/1 sở đã tham mưu cho UBND tỉnh dừng lễ hội chưa khai mạc. Vĩnh Phúc là một trong số tỉnh đã công bố dịch bệnh corona. “Chúng tôi tham mưu dừng tất cả các lễ hội, có lễ hội chuẩn bị khai mạc chúng tôi cũng yêu cầu dừng lại. Tôi cũng chỉ đạo hai đoàn thanh tra, kiểm tra tất cả các đơn vị tổ chức lễ hội, họ chấp hành tốt”, ông Oanh khẳng định.
Cục Văn hóa cơ sở trong đợt kiểm tra cuối tuần qua cũng đánh giá cao sự chấp hành của tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng, Công điện của Bộ VHTTDL.
Chiều tối 3/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa cho biết, sở thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng, Công điện của Bộ VHTTDL, kể cả công điện mới nhất. Ông Hoa cho biết, hiện Khánh Hòa không có lễ hội nào đang và sắp diễn ra.
Đối với các điểm di tích, danh lam thắng cảnh lâu nay thu hút du khách như Tháp bà Ponagar, Hòn chồng, nhà thờ đá Nha Trang... Sở đều có văn bản xuống các đơn vị quản lý tuyên truyền phòng, chống dịch và không để du khách tập trung đông. Lãnh đạo Sở VHTT Khánh Hòa cho biết, các di tích này thường chủ yếu đông du khách Trung Quốc, nay gần như vắng bóng.
Hà Nội dù chưa công bố dịch, tuy nhiên là nơi tập trung nhiều lễ hội lớn, nhiều di tích và danh lam thắng cảnh. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết sớm triển khai theo tinh thần tạm dừng tổ chức lễ hội chưa khai mạc, thu gọn quy mô đối với các lễ hội đã khai mạc. Sở cũng kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở các địa phương.
Các UBND quận, huyện của Hà Nội có các lễ hội truyền thống đều đồng loạt ra thông báo tạm dừng tổ chức để tập trung phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo UBND huyện Đông Anh nhấn mạnh, nếu để xảy ra lây lan corona trong các hoạt động lễ hội, chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND huyện Ba Vì cũng có văn bản yêu cầu dừng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và các hoạt động văn hóa tập trung đông người, tạm dừng hoạt động đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Ba Vì. UBND thị xã Sơn Tây thông báo tạm dừng lễ hội đền Và 2020, dù ban đầu lễ hội dự kiến tổ chức to và nhiều hoạt động.
Hà Nội dù chưa công bố dịch, tuy nhiên là nơi tập trung nhiều lễ hội lớn, nhiều di tích và danh lam thắng cảnh. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết sớm triển khai theo tinh thần tạm dừng tổ chức lễ hội chưa khai mạc, thu gọn quy mô đối với các lễ hội đã khai mạc. Sở cũng kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở các địa phương.