Trong những lần về buôn làng, được ngồi hàng giờ cảm nhận thanh âm từ nhạc cụ dân tộc do nghệ nhân biểu diễn, nghe câu chuyện đau đáu bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, một vị lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tâm sự rằng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch để tạo nguồn thu nhập nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, giữ vững quốc phòng, an ninh của Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.
Ca kịch Khát vọng Dam Săn góp phần phục dựng, bảo tồn văn hóa của người Êđê |
Đắk Lắk lợi thế với 49 dân tộc, ngay ẩm thực đã có cái hay, hấp dẫn du khách... Để du lịch tỉnh phát triển bền vững cần chú trọng bản sắc văn hóa. Phát triển du lịch cần gắn phát triển di tích, gắn với phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, vị lãnh đạo Sở Văn hóa tỉnh này chia sẻ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp các cơ quan ban ngành, địa phương tổ chức nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk-do, Hàn Quốc tài trợ tại 4 huyện Lắk, Krông Ana, Buôn Đôn và Cư M’gar. Hiện cấp 120 bộ trang phục truyền thống và 5 bộ chiêng của các dân tộc Êđê; M’nông; Gia Rai cho các đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu tại các buôn trên địa bàn tỉnh; Ban hành Kế hoạch sưu tầm các bài chiêng trong khuôn khổ dự án của JBCIA tài trợ; 1 nghi lễ truyền thống của người M’nông tại huyện Lắk được phục dựng và ghi hình; 5 đến 7 bài chiêng sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của người M’nông và người Êđê Bih được tư liệu hóa để làm cơ sở bảo tồn và truyền dạy đảm bảo có tính kế thừa cho các thế hệ.
Thác Thủy Tiên hoang sơ - một điểm đến hấp dẫn tại tỉnh Đắk Lắk |
Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, các hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Để phục hồi và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thông qua hàng loạt các chính sách cụ thể từ bảo tồn, duy trì, phát huy và đầu tư trong phát triển du lịch, cùng với nhiều giải pháp kích cầu du lịch, đã thu hút nhiều du khách khám phá, trải nghiệm. Tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung nguồn lực, điều kiện phục hồi ngành kinh tế quan trọng này với mục tiêu: “Đắk Lắk - Điểm đến an toàn, thân thiện, giàu bản sắc” với nhiều sản phẩm mới, độc đáo, hấp dẫn. Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh những hoạt động kết nối, hợp tác phát triển văn hóa, du lịch với các tỉnh thành trong cả nước.
Trong các dịp lễ năm nay, diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, đánh dấu sự hồi phục của ngành kinh tế mũi nhọn này như các chương trình, Đêm nhạc Nguyễn Cường và biểu diễn “Ca kịch Khát vọng Dam Săn”; Lễ hội Sầu riêng; Lễ hội Đêm trắng Ban Mê; Sự kiện “Vũ khúc hữu nghị” mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phối hợp các nghệ sĩ Hàn Quốc tổ chức diễn ra cuối tháng 8/2022 là một điểm nhấn mới mẻ.…
Tổng thu từ du lịch toàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2022: ước đạt 685 tỷ đồng, đạt 88,96% so với kế hoạch, tăng 96,96% so với cùng kỳ 2021. Tổng số khách đón tiếp: ước đạt 809.500 lượt khách, đạt 89,45% so với kế hoạch, tăng 99,7% so cùng kỳ 2021. Trong đó, khách trong nước ước đón 803.860 lượt khách, đạt 90,83% so với kế hoạch, tăng 99% so cùng kỳ 2021. Khách quốc tế 5.640 lượt khách, đạt 28,2% so với kế hoạch, đạt 28,2% so với kế hoạch, tăng 286,3% so cùng kỳ 2021.