Ông Hoan cho biết người dân TPHCM đang trông đợi hành động và kết quả những sản phẩm UBND TPHCM đề ra khi triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
HĐND TPHCM hoạch định ra 21 đầu việc cụ thể để triển khai thực hiện ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Hiện nay, UBND TPHCM đã thành lập hai tổ công tác. Một tổ phụ trách các dự án công trình, các văn bản, quy định phải ban hành liên quan đến tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý và cơ chế chính sách đãi ngộ do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trực tiếp phụ trách. Tổ thứ hai do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì nghiên cứu những vấn đề liên quan tài chính ngân sách và huy động nguồn lực phát triển.
UBND TPHCM đã mời 3 chuyên gia thuộc Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ tham gia chuẩn bị các đề án. Đến tháng 3/2018, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM một số nội dung liên quan đến phân cấp ủy quyền, cơ chế chính sách cho cán bộ công chức. Đến tháng 6, TPHCM cơ bản phải thông qua tất cả các đề án cho HĐND TPHCM và những đề án kiến nghị Chính phủ bổ sung, điều chỉnh sửa đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển của TPHCM.
Người phát ngôn UBND TPHCM cho biết Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo UBND TPHCM chọn những vấn đề có thể làm ngay. “Nói thẳng là nghiên cứu để có tầm nhìn thì rất cần nhưng phải giải quyết ngay những vấn đề bức xúc của thành phố. Tức là lựa chọn một hai việc cụ thể để nghiên cứu, xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện, tạo động lực phát triển cho thành phố chứ không phải chờ hoàn thiện các khâu mới làm”, ông Hoan cho hay.
Theo ông Võ Văn Hoan, trong quá trình làm, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích người dân, doanh nghiệp, UBND TPHCM sẽ thực hiện đúng quy trình như phải đánh giá tác động đối với các đối tượng liên quan và tổ chức lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Tập trung chống kẹt xe
Có vận dụng cơ chế chính sách đặc thù để giải quyết tình trạng kẹt xe? trả lời câu hỏi này của Tiền Phong, ông Hoan cho biết trong năm 2017, TPHCM đã dành nhiều nguồn lực để giải quyết ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại hai điểm nóng là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng Cát Lái.
Cụ thể: TPHCM đã xây dựng và nhanh chóng đưa vào khai thác một số cầu vượt thép trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực Cảng Cát Lái, TPHCM đang tập trung xây dựng nút giao Mỹ Thủy. Tại điểm nóng trên đại lộ Võ Văn Kiệt, tuy có những cây cầu bắc ngang qua kênh nhưng các phương tiện không tiếp cận được. Từ quận 4, quận 8 vào trung tâm thành phố, người dân chỉ còn cách đi qua quận 5, quận 6, quận Bình Tân. Vừa qua, TPHCM thi công một số công trình để mở đường thoát từ quận 4, quận 8 về trung tâm.
“Ở đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm đã bắt đầu quá tải. TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tháo dỡ trạm thu phí hầm vượt sông Sài Gòn để làm thông thoáng khu vực trên, đồng thời sắp xếp, phân luồng, tổ chức lại các đường rẽ từ quận 2 về quận 1 để giải quyết tình trạng ùn tắc”, ông Hoan nói.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cơ chế chính sách đặc thù cho phép TPHCM giữ lại vốn cổ phần hoá các doanh nghiệp, giữ lại 50% giá trị tiền sử dụng đất khi bán đất công của các cơ quan đơn vị trung ương đóng trên địa bàn nên sẽ tạo nguồn lực rất lớn để đầu tư cho giao thông.
Trước mắt, TPHCM phải khép kín đường Vành đai 2. Công trình lẽ ra phải hoàn thành từ năm 2010 và Nghị quyết HĐND TPHCM đã “gia hạn” đến năm 2020 phải đưa đường Vành đai 2 cùng một phần đường Vành đai 3 vào khai thác. Đường Vành đai 2 hiện còn khoảng 14 km qua các quận 8, Thủ Đức, huyện Bình Chánh chưa được khép kín.
Nếu chỉ đầu tư giai đoạn 1, TPHCM sẽ cần hơn 14.000 tỷ đồng để khép kín Vành đai 2, cao hơn so với số tiền đầu tư cho toàn ngành giao thông TPHCM trong năm 2017 (khoảng 11.300 tỷ đồng). Nguồn lực đầu tư sẽ cân đối từ cơ chế đặc thù. Vừa qua, một số dự án BT đang triển khai ở TPHCM đã tạm dừng để ưu tiên cho cơ chế đặc thù.
Theo Sở GTVT, TPHCM quyết định chi 122 nghìn tỷ đồng cho chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông từ năm 2016 - 2020 (đáp ứng khoảng 25% nhu cầu) nhưng trong 2 năm đầu tiên 2016, 2017, ngành giao thông mới được bố trí 21.600 tỷ đồng.