Giải quyết nạn ngập nước, kẹt xe tại TPHCM: Cần có thời gian

Kẹt xe đang là điểm nghẽn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở TPHCM.
Kẹt xe đang là điểm nghẽn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở TPHCM.
TP - Đó là thừa nhận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khi đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM diễn ra chiều 6/12.

Điểm nghẽn hạ tầng

Có 11 đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM. Đại biểu Trần Hoàng Danh bức xúc: Khu vực trung tâm thành phố có những dự án dở dang đang làm xấu bộ mặt của thành phố. Tình trạng này bao giờ được khắc phục?

“Rất nhiều cử tri trân trọng về những cố gắng của lãnh đạo TPHCM nhưng cũng trăn trở về những hạn chế, yếu kém. Thành phố sẽ có những đột phá gì để đáp ứng nguyện vọng cử tri”, ông Danh đặt vấn đề.

 Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói rất chia sẻ với đại biểu và cử tri và đó cũng là sự trăn trở của ông về những công trình dở dang đang làm xấu đi bộ mặt của thành phố.

“Nhiều lần tôi đã chủ trì họp với các chủ đầu tư. Như công trình 34 Tôn Đức Thắng, công trình số 18 - 22 Lê Duẩn…Việc giải quyết có những khó khăn ngoài tầm TPHCM như phải có ý kiến các cơ quan trung ương nên làm chậm, ảnh hưởng đến bộ mặt thành phố”, ông Phong nói.

Chia sẻ về những yếu kém hiện nay, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM là trung tâm kinh tế, đầu tàu cả nước, có quy mô dân số tăng rất nhanh. Hiện nay, con số thống kê dân số TPHCM là 8,4 triệu người nhưng con số thực tế thường xuyên sinh sống, học tập lên tới hơn 13 triệu người. Sự quá tải về hạ tầng đang tạo ra “điểm nghẽn” như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, an toàn thực phẩm…

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết đang triển khai các chương trình giảm ùn tắc, ngập nước… nhưng phải có lộ trình. Đơn cử như nạn ngập nước, thành phố không thể giải quyết ngay. Và, dù tìm biện pháp kiểm soát song TPHCM phải chấp nhận mức độ tăng dân số nhất định.

“Như tình trạng ùn tắc giao thông, bình quân mỗi quý năm 2017 TPHCM có 30 nghìn phương tiện đăng ký mới và hiện nay đã đạt hơn 7,5 triệu xe máy, hơn 700 nghìn  ô tô. Đường sá không mở rộng được, ùn tắc là khó tránh khỏi. Những vấn đề đó ảnh hưởng đến đời sống người dân ghê gớm nhưng cần nguồn lực rất lớn và cần có thời gian để giải quyết”, ông Phong nói.

Thiếu trường, đất giáo dục… đem bán

Trong phần trả lời chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng chủ động đề cập nạn bạo hành tại các nhóm lớp mầm non ngoài công lập.

“Hiện tượng ngược đãi trẻ vừa qua tuy không phổ biến nhưng gây bức xúc. UBND TPHCM đã chỉ đạo tổng kiểm tra các trường mầm non về điều kiện thành lập, giấy phép, chất lượng đội ngũ giáo viên và kiên quyết đình chỉ nếu không đủ điều kiện hoạt động. Thành phố sẽ xử lý trách nhiệm, người đứng đầu nếu để các nhóm lớp không phép hoạt động, giáo viên bạo hành, ngược đãi trẻ em”, ông Phong nhấn mạnh.

Trước đó vào sáng cùng ngày, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Lê Hồng Sơn đã đăng đàn trả lời chất vấn về nạn bạo hành và những bất cập trong lĩnh vực giáo dục.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt vấn đề: Để đạt chỉ tiêu 300 phòng họp/1.000 dân vào năm 2020, TPHCM phải xây thêm hàng nghìn phòng học. Thế nhưng, hiện nay, quy hoạch đất dành cho giáo dục mới đạt 80%. 75% quận huyện ở TPHCM không đủ đất xây trường. Sĩ số chuẩn là 35 em/lớp nhưng nhiều nơi, nhất là ở ngoại thành mỗi lớp có 45 em, thậm chí có nơi lên tới 57 em/lớp.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết do tình trạng tăng dân số cơ học, mỗi năm TPHCM tăng thêm từ 60.000 - 65.000 học sinh, trong đó bậc mầm non, tiểu học chiếm tỷ lệ cao. Một số quận huyện có tình trạng sĩ số lên tới 50 em/lớp, thậm chí còn cao hơn. Thiếu phòng học, việc tổ chức cho học sinh học hai buổi rất khó.

“Quy hoạch trường học một số nơi vướng bồi thường giải tỏa, một số nơi có đất sạch nhưng không đủ vốn. Năm 2017, TPHCM phải xây mới gần 3.000 phòng học nhưng mới hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 1.500 phòng… Quỹ đất dành cho giáo dục mỗi năm mỗi hiếm, bị hoán đổi từ mặt tiền vào hẻm”, ông Sơn giãi bày.

Chủ tịch HĐND TPHCM yêu cầu ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc trả lời vì sao điều chỉnh quy hoạch đất giáo dục thành thương mại, dịch vụ. Theo ông Toàn, việc điều chỉnh nói trên “đếm trên đầu ngón tay” và chỉ làm khi không thực hiện được quy hoạch trường học.

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo làm nghị trường nóng lên khi chất vấn lãnh đạo Sở GD&ĐT vì sao thiếu trường lớp mà tại quận 6 có một trường học bỏ hoang 10 năm qua làm cử tri bức xúc.

Còn đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa bật mí tại phường 4 quận 11 có một trường mầm non bị bán cho một cá nhân làm nhà ở.

Trả lời đại biểu Thảo, ông Lê Hồng Sơn xác nhận trường Tiểu học Trần Văn Kiểu bị bỏ hoang do sụt lún không đảm bảo an toàn việc dạy và học. Và, đây là lỗi của nhà đầu tư chọn nơi xây dựng không phù hợp. Sắp tới, ngôi trường sẽ bị đập bỏ, chuyển đến nơi khác.

Còn lãnh đạo UBND quận 11 xác nhận việc bán đất giáo dục như đại biểu phản ánh là có và địa phương thực hiện theo văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM do Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến ký.

Có mặt tại phiên chất vấn, ông Trần Vĩnh Tuyến cam kết sẽ kiểm tra, báo cáo lại HĐND TPHCM.

“TPHCM kiên quyết không chiều lòng nhà đầu tư, chuyển quy hoạch trường học vào vị trí không thuận lợi, nhường đất vàng để làm thương mại, dịch vụ”.

            Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.