Giải mã tắc đường kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Kẹt xe kinh hoàng trên đường Trường Sơn - tuyến đường độc đạo ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Kẹt xe kinh hoàng trên đường Trường Sơn - tuyến đường độc đạo ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
TP - Mượn đất, di dời ga Sài Gòn chống ùn tắc sân bay là đề xuất của TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM tại hội thảo “Giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất” do Viện Nghiên cứu Phát triển (VNCPT) TPHCM tổ chức ngày 7/11.

Tắc vì mở đường, xây cầu vượt?

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Văn Tám cho biết hiện nay, TPHCM chỉ có 8,5% diện tích đất đô thị dành cho giao thông trong khi quy chuẩn là 24 - 26%. Mật độ đường giao thông là 1,95km/km2, trong khi theo quy chuẩn là 13 - 18km/ km2. “Với mật độ phương tiện giao thông quá cao, trên 8 triệu xe máy, 640.000 ô tô khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng”- ông Tám nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng VNCPT, khi đoạn đường mới đi qua công viên Gia Định kết nối từ vòng xoay Nguyễn Kiệm tới đường Trường Sơn hoàn thành, lập tức xuất hiện dòng xe với lưu lượng lớn chạy từ Gò Vấp, Thủ Đức… về quận Tân Bình, Tân Phú… không có nhu cầu vào sân bay Tân Sơn Nhất (TSN). “Trước hiện tượng trên, các cơ quan quản lý giao thông vì lo lắng đường vào sân bay bị kẹt nên đã và đang tìm mọi cách ngăn chặn bằng các loại biển cấm, do đó đã làm náo loạn cả một khu vực vốn lâu nay rất yên tĩnh tại các đường nhánh trong khu vực”, ông Hòa nói.

TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch đô thị TPHCM) đồng tình: Tình trạng mượn đường Trường Sơn góp phần lớn nhất vào ùn tắc giao thông vì có đến 70% xe máy và 62% xe hơi không ra vào sân bay. Ông Nguyên nói các cơ quan chức năng đề xuất 22 dự án giải cứu sân bay TSN nhưng sau gần hai năm thực hiện, tình hình hầu như không được cải thiện mà còn có chiều hướng xấu đi.

Mượn đất, di dời ga…  

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa đề xuất kéo dài cầu vượt đường Trường Sơn thành đường trên cao 2 chiều qua khu vực công viên Hoàng Văn Thụ tới vị trí hợp lý và đáp xuống đường Nguyễn Văn Trỗi, nhằm cải thiện tình hình giao thông tại khu vực công viên Hoàng Văn Thụ. Ngoài ra, một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất kết hợp với đường trên cao khép kín xây dựng vòng quanh sân bay kết nối với các trục đường nối với đường vành đai 2, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của hành khách từ các tỉnh thành trong vùng thông qua các cửa ngõ như: quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 13, …

“Trong giai đoạn đầu, tuyến đường này không nhất thiết phải khép kín mà chỉ cần hình thành một cánh cung từ nhà ga mới số-3 qua nhà ga số-2 để tới nhà ga số-1 hiện hữu theo hướng phía Tây sân bay”, ông Hòa đề xuất.  Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, áp lực giao thông không phải từ khu vực sân bay TSN, mà vấn đề chính là áp lực từ cả vùng đô thị gây ra tình trạng phương tiện đổ dồn về khu vực sân bay TSN.

Ông Cương đề xuất mượn (hoặc đổi đất) để có đường băng qua đất quốc phòng phía Nam sân bay TSN. Ngoài ra, mượn đường qua doanh trại Quân khu 7. Đường này nối từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ qua doanh trại quân khu 7 nối vào đường Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, ông Cương đề xuất dời ga Sài Gòn về ga Bình Triệu và mượn đoạn đường sắt trên kết hợp với việc triển khai sớm đường bộ lộ giới 30m dọc theo tuyến đường sắt trên cao (theo quy hoạch) đi từ quảng trường Dân Chủ qua ga Hòa Hưng nối đến đường Phạm Văn Đồng để giảm áp lực cho đường Trường Sơn.

Theo Thạc sỹ Cao Ngọc Thành (VNCPT), để giải quyết ách tắc giao thông khu vực sân bay TSN, cần có cách tiếp cận mới, có những chính sách riêng biệt, nhằm thúc đẩy và duy trì vai trò của sân bay với miền Nam và cả nước, chẳng hạn như chính sách giãn dân để kéo giảm mật độ dân cư.  PGS .TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM đề xuất ưu tiên xây dựng các kết nối giao thông của sân bay với các trục giao thông chính như quốc lộ 1, đường Xuyên Á, thậm chí là các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai…

“Để giải tỏa lưu lượng khách vào sân bay, TPHCM cần xây dựng tuyến đường sắt trên không nối sân bay với 1 vị trí phù hợp như công viên Gia Định hoặc gần kênh Nhiêu Lộc, nếu làm được sẽ hạn chế rất nhiều việc đưa xe cộ vào sân bay”, ông Tống nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Giao thông công chánh đề xuất phương án xây dựng mới nhà ga T3 công suất 10 triệu hành khách/năm, đồng thời mở rộng nâng công suất nhà ga Quốc tế lên 17 triệu khách/năm, nhà ga Quốc nội lên 18 triệu hành khách/năm… với kinh phí dự kiến khoảng 1.860 tỷ đồng (chưa kể bồi thường giải tỏa).

Theo TS Lương Hoài Nam, nếu mở rộng sân bay TSN về phía Bắc mà không xem xét trong mối quan hệ với sân bay Long Thành thì sẽ gây ra nhiều bất cập. Cụ thể, nếu mở rộng sân bay TSN về phía Bắc, cộng với xây dựng ga lưỡng dụng T3 theo như quy hoạch, thì công suất sân bay TSN sẽ đạt khoảng 60 triệu lượt khách/năm. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.