Vận động học sinh tới trường: Thầy cô bị tưới nước cá, đánh tóe máu

Học sinh hai năm nay không được đến trường
Học sinh hai năm nay không được đến trường
TPO - Hàng trăm học sinh ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh nghỉ học. Khi thầy, cô giáo đến nhà vận động cho trẻ đi học lại thì bị dội nước rửa cá lên đầu, có người bị ném đá phải đi khâu mấy mũi... Nguyên nhân do người dân không muốn lên vùng tái định cư vì cho rằng lâu nay họ là dân biển, phải bám biển để sống.

Theo quy hoạch, toàn xã Kỳ Lợi (Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) có 1.235 hộ dân thuộc diện phải di dời lên khu tái định cư, nhường đất cho dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng). 

Hạn đến ngày 30/3/2015 toàn bộ hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Ở đó được quy hoạch, xây dựng hệ thống trường học mới có đủ trường mầm non, tiểu học, THCS. Tuy nhiên, hiện còn 158 hộ gia đình ở thôn Đông Yên không chịu rời đi vì không thỏa thuận được việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng Phòng giáo dục Thị xã Kỳ Anh cho biết, ban đầu có 142 học sinh không đến trường, sau một năm giáo viên, hiệu phó đến nhà vận động chỉ có 24 em được gia đình cho đến lớp. 118 học sinh còn lại đến nay đã tròn 2 năm nghỉ học, trong đó có 37 học sinh THCS, 81 học sinh tiểu học.

"Hiện, Phòng GD&ĐT Thị xã Kỳ Anh vừa làm tờ trình gửi Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh xin tạm dừng thôi cử giáo viên, hiệu phó các trường đến từng nhà dân vận động vì giải pháp này không đem lại hiệu quả và được lãnh đạo Sở chấp thuận", ông Sum nói.

Tuy nhiên, hè này, phòng giáo dục vẫn tiếp tục cử người đến vận động. Nếu học sinh đồng ý đến trường, đơn vị sẽ cử giáo viên ôn tập lại kiến thức vì nghỉ học 2 năm các em quên khá nhiều kiến thức. Những em nghỉ khi còn học lớp 6 nay phải lên lớp 7 chứ không thể học lớp 9 như các bạn được.

Liên quan đến việc 118 học sinh tiểu học và THCS ở Thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi (Thị xã Kỳ Anh) suốt hai năm qua không được đến trường, ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng Phòng giáo dục Thị xã Kỳ Anh cho biết, hiện nay đơn vị đang tạm dừng cử giáo viên, hiệu phó đến từng nhà dân vận động vì giải pháp này không hiệu quả.

Theo ông Sum: “Dù bất cứ lý do gì để học sinh nghỉ học là điều rất đau lòng”. Xác định điều này nên ngay từ khi biết các gia đình cho con em nghỉ học, Phòng giáo dục huyện kỳ Anh (nay là thị xã) đã họp hiệu trưởng, hiệu phó các trường để bàn phương án. Phòng giáo dục đã yêu cầu giáo viên, hiệu phó tất cả các trường trong khu vực đến tiếp cận các gia đình thuyết phục phụ huynh, học sinh tuy nhiên không đạt hiệu quả. 

Ông Sum kể, có cô hiệu phó còn bị phụ huynh dội chậu nước rửa cá lên đầu, có người bị ném đá phải đi khâu mấy mũi…Tuy nhiên, phòng giáo dục kiên quyết đi vận động, tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, người dân không muốn lên vùng tái định cư vì cho rằng lâu nay họ là dân biển, phải bám biển để sống. UBND tỉnh đã có phương án cho toàn bộ người dân xã Kỳ Lợi di dời lên thôn Ba Đồng (xã Kỳ Phương) và Thôn Minh Huệ (Kỳ Nam).

Cũng theo ông Sum, khi thấy người dân kiên quyết không di dời lên khu tái định cư, phòng giáo dục bố trí 3 xe buýt hàng ngày sẽ đưa đón học sinh đi học. Đảm bảo trên xe có nhân viên y tế, lực lượng an ninh, nước uống.

“Từ nhà đến trường khoảng 20 km, đi xe buýt chỉ mất 20-25 phút tuy nhiên phụ huynh vẫn đóng sập cửa khi thấy giáo viên đến vận động”, ông Sum nói.

Theo tìm hiểu của PV, sau khi đa số người dân xã Kỳ Lợi di dời lên khu tái định cư, Trường tiểu học Kỳ Lợi đã bị đập bỏ. Hiện chỉ còn Trường THCS đang giảng dạy 8 lớp THCS và 5 lớp tiểu học.  

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.