Vấn đề Biển Đông lại xuất hiện trong đề thi Lịch sử

Thí sinh vui vẻ sau khi hoàn thành bài thi trong ngày thi đầu tiên, 2/6
Thí sinh vui vẻ sau khi hoàn thành bài thi trong ngày thi đầu tiên, 2/6
TPO - Trong buổi thi môn Lịch sử chiều 2/6, ghi nhận tại nhiều hội đồng thi cho thấy tình trạng vắng thí sinh. Nhiều nơi chỉ có 1 thí sinh dự thi môn này. Vấn đề bảo vệ biển đảo tiếp tục xuất hiện trong đề thi chiều nay.

Lèo tèo thí sinh dự thi

Tại Hà Nội, nhiều hội đồng chỉ có từ 1 - 3 thí sinh dự thi môn Lịch sử. Một số hội đồng thi nhiều hơn với hơn chục thí sinh.

Tại hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội), chỉ có 1 thí sinh dự thi môn này. Hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Hà Đông) có 19 thí sinh dự thi; hội đồng thi trường THPT Trần Phú (Hà Nội) có một phòng duy nhất gồm 14 thí sinh làm bài môn Lịch sử...

Biển Đông dậy sóng trong đề thi Lịch sử

Sáng mai, 3/6, tất cả các thí sinh sẽ thi môn Toán với thời gian 120 phút. Buổi chiều, thí sinh dự thi môn môn tự chọn: Hóa học (60 phút) hoặc môn Địa lý (120 phút).

Trong ý b của câu 3, đề thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có yêu cầu thí sinh liên hệ việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, đề thi Lịch sử gồm 3 câu, câu 1 (4 điểm), câu 2 (3 điểm) và câu 3 (3 điểm), trong đó ý b của câu 3 như sau:

Tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.

Hoàng Thế Hưng, lớp 12A, trường THPT Văn Hiến (Hà Nội), là một trong hai thí sinh của trường chọn môn Lịch Sử trong kì thi tốt nghiệp năm nay, nhận xét, đề phù hợp sức học của học sinh phổ thông, hoàn toàn nằm trong chương trình và không khó để hoàn thành trong 90 phút.

Hưng cho rằng, em không bất ngờ vì đề thi có nội dung liên quan biển đảo. “Em làm khá tốt, nhất là câu thứ 3 liên quan vấn đề biển đảo. Em nghĩ chắc mình đạt khoảng 8 điểm ở bài thi này”, Hưng cho biết.

Còn với Nguyễn Thùy Dung, lớp 12G trường THPT Marie Curie (Hà Nội): “Câu hỏi số 3 khá hay và em làm tốt"

Trước đó, trong đề thi môn Ngữ Văn sáng nay, tình hình thời sự biến động biển Đông đã được đưa vào đề thi đúng như dự đoán của nhiều giáo viên và học sinh.

Ghi nhận tại TPHCM, kết thúc môn thi Lịch Sử chiều 2/6, đa số các thí sinh đều cho rằng đề khá dễ khi vấn đề liên quan Biển Đông lại một lần nữa được đè cập trong đề thi.

Một trong những câu hỏi được nhiều thí sinh cho là mới mẻ và rất thực tế là câu hỏi liên quan Liên hợp quốc trong việc giải quyết hòa bình thế giới, đặc biết là vấn đề căng thẳng Biển Đông hiện nay.

Thí sinh Trần Minh Khải (học sinh lớp 12A6, trường THPT Nguyễn Hữu Huân) chia sẻ: “Em không nghĩ đề thi lịch sử năm nay thú vị như vậy. Em thích nhất câu thứ ba, vì tình hình biển đảo cũng chính là vấn đề em quan tâm nhất hiện nay”.

Còn thí sinh Nguyễn Thị Hòa (học sinh lớp 12CA, trường THPT Nguyễn Hữu Huân) nói: “Sự đổi mới đề thi năm nay khiến em khá hứng thú. Em nghĩ mình sẽ có kết quả tốt”.

Hầu hết các thí sinh thi môn sử khá tự tin với bài thi tốt nghiệp năm nay, một phần vì đây là môn tự chọn, các em đã chuẩn bị kiến thức từ trước, phần khác do đề năm nay gắn với thực tế nên tuy chưa hết thời gian nhưng đã có khá nhiều thí sinh nộp bài.

Đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử:

Câu 1 (4,0 điểm)

Nêu nội dung cơ bản trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và trình bày tại hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh này là gì?

Câu 2 (3,0 điểm):

Nguyên nhân thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954 – 1975).

Câu 3 (3,0 điểm):

a.      Tình bày những nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc.

b.      Tại sao Liên hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.