Vẫn dạy lái bằng xe “U40”

Vẫn dạy lái bằng xe “U40”
TP - Được quy định không sử dụng xe cũ, xe không còn phù hợp như Uaz, Jeep… nhưng nhiều trung tâm đào tạo lái xe (TTĐTLX) tại Hà Nội vẫn sử dụng các dòng xe có tuổi đời ba bốn chục năm dạy cho học viên.
Được quy định không sử dụng Uaz nhưng thời gian qua TTĐTLX của ĐH PCCC vẫn dùng xe này dạy học viên. Ảnh: Anh Trọng
Được quy định không sử dụng Uaz nhưng thời gian qua TTĐTLX của ĐH PCCC vẫn dùng xe này dạy học viên. Ảnh: Anh Trọng.

Vừa học vừa đẩy xe

Nhiều ngày qua, trong vai người dân có nhu cầu học lái xe PV Tiền Phong đã đến một số TTĐTLX trên địa bàn Hà Nội để ghi nhận việc dạy lái xe ô tô ở đây. Theo quy định và từ năm 2008, Sở GTVT Hà Nội đã có yêu cầu tất cả các Trung tâm phải dùng các phương tiện phù hợp để giảng dạy cho học viên.

Với các dòng xe Uaz, Jeep do quá cũ và không còn phù hợp nên Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các trung tâm loại bỏ, tuyệt đối không sử dụng để giảng dạy.

Vậy nhưng, những ngày qua, có mặt tại TTĐTLX của ĐH Phòng cháy chữa cháy (đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân), một trong những TTĐTLX lớn nhất của Hà Nội, PV ghi nhận, hầu hết học viên khi kết thúc chương trình học lý thuyết (Luật Giao thông đường bộ) đều phải học thực hành tay lái trên gần 10 chiếc xe Uaz.

Sau khi thuần thục các thao tác nguội, xe đỗ tại chỗ, từng nhóm học viên khoảng 4 người sẽ được một thầy kèm cặp với một xe Uaz để học số nóng (đi ra đường trường).

Đường trường ở đây thường là quãng đường từ ĐH PCCC đến một số bãi sát hạch lái xe nằm ở khu vực Xuân Mai.

“Trên dọc đường đi qua các tuyến đường như Đại lộ Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, dưới sự giám sát của thầy, bốn học viên chúng tôi thay nhau lái, đến các bãi tập sự thay đổi này tiếp tục diễn ra, kể cả khi trên đường về”, anh Trịnh, một học viên vừa học xong chứng chỉ lái xe hạng B2 tại ĐH PCCC cho biết.

“Đa số các xe Uaz sản xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước, quá cũ, nên có hôm chạy nhiều, xe nóng, chết máy dọc đường học viên lại phải xuống đẩy mới nổ”, anh Trịnh kể.

Đến các TTĐTLX có tiếng tại Hà Nội như Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính (xã Minh Khai, Từ Liêm), ĐH Công nghệ Giao thông vận tải (đường Triều Khúc, Thanh Xuân)... tại đây xe Uaz đeo biển tập lái vẫn đỗ thành hàng ở sân đào tạo.

Riêng tại cổng trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính, ngoài hơn 10 xe Uaz đỗ trong sân tập lái, vào các buổi sáng chiều, trước cổng trường nhiều xe Jeep đeo biển tập lái dịch vụ cũng xếp hàng đợi học viên thuê.

Học viên của nhiều TTĐTLX trên địa bàn Hà Nội cho biết, hầu hết các buổi thực hành đường trường họ đều được trung tâm bố trí học trên xe Uaz, trong khi thi lấy chứng chỉ lại toàn xe đời mới.

Nếu có nhu cầu học xe đời mới, học viên phải tự túc lên các sân sát hạch thuê 200.000 đến 250.000 đồng/ giờ để học.

Không ai cho dạy bằng xe Uaz cả

Lý giải vì sao đến nay trung tâm vẫn sử dụng xe Uaz để giảng dạy, giám đốc một số TTĐTLX tại Hà Nội cho rằng, đa số xe tập lái của họ đang dần được thay mới, có một số giờ do thiếu xe mới nên đưa Uaz vào dạy xen kẽ.

“Với Trung cấp nghề Giao thông Công chính do là trường công (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội - PV) nên quá trình đổi mới xe phải có lộ trình, không thể nói là làm ngay được”, ông Hoàng Quốc Cường, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội nói.

Còn ông Lê Quang Bốn, Giám đốc trung tâm Dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe - ĐH PCCC cho rằng, phần lớn xe tập lái tại trung tâm đã được thay mới, số xe Uaz hiện chỉ còn mấy chiếc và chủ yếu để cho lực lượng công an học. Học viên ngoài ngành đến trung tâm đều được giảng dạy bằng xe đời mới.

Trước câu hỏi, PV đã tận mắt chứng kiến và nhiều học viên cũng phản ánh: Học viên ngoài ngành công an khi học tại trung tâm vẫn phải học bằng xe Uaz là chính, ông Bốn nói, theo chương trình, học viên vẫn được học bằng xe Uaz, nhưng ai thích học thì học, không thì học bằng xe đời mới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Với các dòng xe cũ như Uaz dứt khoát phải loại bỏ khỏi chương trình đào tạo, Sở không cấp chứng chỉ cho các trung tâm giảng dạy học viên bằng các loại xe trên”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG