Ván cược của Thủ tướng Anh với COVID-19 khiến giới khoa học đứng ngồi không yên

0:00 / 0:00
0:00
Người dân đi qua cầu London ngày 6/7. (Ảnh: Reuters)
Người dân đi qua cầu London ngày 6/7. (Ảnh: Reuters)
TPO - Thủ tướng Anh có kế hoạch kết thúc phong toả từ ngày 19/7. Các nhà khoa học đang vô cùng lo lắng, cho rằng bước đi này là “phi đạo đức và bất hợp lý”.

Dù đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất thế giới, Anh đang phải đối phó với một làn sóng lây nhiễm mới. Thủ tướng Boris Johnson quyết chơi một ván cược: thay vì tiếp tục phong toả, ông định sẽ sống chung với virus để thử nghiệm khả năng bảo vệ của vắc-xin trước biến chủng Delta.

Ông Johnson trước đó đã một lần hoãn triển khai kế hoạch mang tên “ngày tự do” trong 4 tuần để chờ thêm người dân được tiêm phòng, khi giới chuyên môn cảnh báo rằng sẽ có thêm hàng ngàn người chết vì biến chủng mới lây lan rất nhanh.

Khi hơn 86% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên và gần 2/3 được tiêm đầy đủ, ông Johnson đặt ra thời hạn 19/7 để kết thúc phong toả.

Anne Cori, một chuyên gia dịch tễ học tại trường Imperial College và là một trong những người khuyến cáo Thủ tướng hoãn “ngày tự do”, cho rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố cả nước có thể sống chung với tình trạng số ca mắc vẫn tăng. Bà cho rằng nên tiếp tục hoãn thời điểm dỡ phong toả.

Hơn 100 nhà khoa học đã viết bài gửi đến tạp chí y học Lancet để nói rằng kế hoạch của ông Johnson về việc dỡ bỏ tất cả biện pháp phong toả là “nguy hiểm và quá sớm”. Họ cho rằng chiến lược chấp nhận mức độ lây nhiễm cao là “phi đạo đức và bất hợp lý”.

Nhưng chính phủ của ông Johnson nói rằng họ phải tính toán nhiều thứ chứ không chỉ yếu tố dịch tễ.

Tân Bộ trưởng Y tế Sajid Javid dẫn ra các lý do y tế, giáo dục và kinh tế để khẳng định sự cần thiết phải khôi phục trạng thái bình thường, dù số ca mắc có thể đạt mức 100.000 mỗi ngày.

Một cuộc tranh luận căng thẳng nổ ra giữa hai phe. Một phe cho rằng kỳ nghỉ hè là cơ hội tốt nhất để dỡ bỏ phong toả trong năm nay. Phe kia cho rằng ông Johnson đang phạm thêm một sai lầm nữa.

Khi biến chủng Delta đang hoành hành, các loại vắc-xin có vẻ có tác dụng giúp người bệnh không bị ốm nặng và tử vong, nhưng không giúp người tiêm tránh nguy cơ mắc bệnh. Kết quả là số ca mắc ở Anh tăng mạnh trong mùa hè này, dù số người tử vong không tăng nhanh nữa.

Số ca mắc trung bình của tuần ở Anh giờ đã vượt ngưỡng 25.000 người/ngày, nhiều gấp 10 lần so với thời điểm giữa tháng 5. Nhưng số ca tử vong trung bình đã xuống dưới ngưỡng 30 so với thời điểm giữa tháng 4. Các nhà khoa học nói rằng vắc-xin đang cứu mạng người.

Tuy nhiên, vẫn còn những dấu hiệu đáng ngại. Anh hiện có khoảng 350 người phải nhập viện mỗi ngày vì COVID-19.

Cũng là một trong những nước triển khai tiêm phòng nhanh nhất và gỡ phong toả sớm nhất, Israel ghi nhận số ca mắc gia tăng gần đây. Chính phủ nước này phải tái áp dụng một số biện pháp hạn chế, dù số trường hợp bị nặng và tử vong chỉ ở mức thấp.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG