Theo CDC Mỹ, cách ly giúp ngăn bệnh lây lan trước khi người mang mầm bệnh có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Những người cách ly ở nhà phải giữ khoảng cách với cả người nhà, theo dõi sức khỏe và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
Cách ly tại nhà được áp dụng với những người có thể đã tiếp xúc với virus. Cách ly tại cơ sở y tế áp dụng với những người đã mắc bệnh.
Những người đã mắc COVID-19 trong 3 tháng gần nhất hoặc những người đã tiêm phòng đầy đủ không phải cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19.
Tiếp xúc gần được xác định là đứng trong khoảng cách dưới 2m với người mắc COVID-19 trong thời gian ít nhất 15 phút; chăm sóc tại nhà cho người mắc COVID-19; tiếp xúc trực tiếp (ôm hoặc hôn) người mắc COVID-19; dùng chung đồ với người mắc COVID-19; đứng gần người mắc COVID-19 khi họ ho, hắt hơi hoặc bằng cách nào đó tạo thành giọt bắn khiến người đứng gần hứng phải.
Theo hướng dẫn của chính phủ Anh, bất kỳ ai có triệu chứng ho, sốt cao và mất vị giác, khứu giác hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính cũng phải cách ly ở nhà ngay lập tức, nhằm tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
Với hầu hết mọi người, COVID-19 chỉ có biểu hiện nhẹ. Nhưng nếu có bất kỳ triệu chứng nào như trên, dù nhẹ, người dân Anh được khuyến cáo ở nhà và đặt lịch hẹn để được xét nghiệm. Thời gian cách ly cũng được khuyến cáo là 14 ngày. Hai tuần là đủ thời gian để biết họ có mắc bệnh hay không và có thể lây cho người khác hay không.
Những người tiếp xúc với người mắc COVID-19 hoặc gần đây mới đi đến nơi khác hoặc ở khu vực đang có dịch lây lan nhanh chóng cũng cần tự cách ly ở nhà.
Cách ly ở nhà bao gồm: áp dụng các biện pháp vệ sinh theo tiêu chuẩn và rửa tay thường xuyên; không dùng chung đồ dùng, như khăn tắm, với người khác; chỉ ở nhà; không đón khách; cách những người trong nhà ít nhất 2m.
Nếu không có triệu chứng mắc COVID-19 sau khi thời gian tự cách ly kết thúc, người tự cách ly cần tuân thủ hướng dẫn để quay lại cuộc sống bình thường.
Indonesia bên bờ thảm họa
Hội Chữ Thập đỏ hôm qua cảnh báo Indonesia cần khẩn trương tăng cường chăm sóc y tế, xét nghiệm và tiêm chủng khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, đẩy nước này đến “bờ vực thảm họa vì COVID-19”, Reuters đưa tin.
Hội Chữ Thập đỏ nói rằng, một bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Bogor, gần thủ đô Jakarta, đang bị quá tải và nhiều lều tạm được dựng lên để có thể tiếp nhận hết bệnh nhân. Cảnh tượng tương tự xảy ra tại những bệnh viện khác gần thủ đô, có nơi đã kín đến 90% số giường.
“Chúng tôi đang thấy số lượng ca mắc cao kỷ lục”, Sudirman Said, Tổng Thư ký Hội Chữ Thập đỏ Indonesia, nói trong một thông cáo.
Tình trạng dịch bệnh lây lan bùng phát ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, được cho là do biến chủng Delta. Nước này báo cáo hơn 20.467 ca mắc mới trong ngày 29/6 và 463 trường hợp tử vong. Indonesia đã có hơn 2,1 triệu ca mắc từ đầu đại dịch và hơn 58.000 trường hợp tử vong, đều là mức cao nhất Đông Nam Á.
Chưa đến 5% dân số trong tổng 270 triệu người nước này được tiêm phòng đầy đủ. Hội Chữ thập đỏ kêu gọi cần có hành động toàn cầu để những nước như Indonesia có thể nhận được vắc-xin.