Băn khoăn thí điểm cách ly F1 tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
Chuẩn bị khu vực cách ly cho người dân ở Bình Dương. Ảnh: H.C
Chuẩn bị khu vực cách ly cho người dân ở Bình Dương. Ảnh: H.C
TP - Trước tình hình số trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 (F1) ngày càng tăng nhanh tại TPHCM, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể điều kiện để F1 được cách ly tại nhà và đề nghị thành phố xem xét áp dụng thí điểm. Bình Dương đang triển khai thí điểm cách ly F1 ít nguy cơ tại nhà.

Sau chỉ đạo của Bộ Y tế ngày 28/6, Sở Y tế TPHCM đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19, lãnh đạo thành phố xem xét quyết định việc thí điểm cách ly F1 tại nhà.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho rằng, sự gia tăng số lượng F1 trên địa bàn, biến chủng virus lây lan nhanh, việc cho cách ly tập trung thường không đảm bảo không gian, phải sử dụng nhà vệ sinh chung sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Khi cách ly tại nhà, nếu người nhà ý thức được F1 có nguy cơ mắc bệnh cao thì họ cũng sẽ cẩn thận và hợp tác hơn.

Sẽ dùng công nghệ giám sát?

Tại buổi họp báo công tác phòng chống COVID-19 ngày 28/6, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng nói rằng, trong văn bản Bộ Y tế gửi thành phố hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà có những quy định hết sức nghiêm ngặt, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện.

“Khi triển khai cách ly F1 tại nhà, bên cạnh những yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên y tế tham gia cũng cần phải từng bước thí điểm”, ông nói.

Trước đó, ông Hưng cho rằng, việc cách ly tại nhà sẽ giúp tâm lý người bị cách ly nhẹ nhàng hơn vì vẫn được ở chung với người thân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đỡ phải chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly khi số F1 tăng lên.

Tuy nhiên, việc cách ly F1 tại nhà phải tính đến giải pháp giám sát cũng như sự tuân thủ của người bị cách ly tại nhà. Sở Y tế cũng tính đến việc sử dụng công nghệ để giám sát người bị cách ly, nhưng phải lưu ý để không vi phạm quy định pháp luật.

BS Nguyễn Trung Hoà, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (TPHCM), nhìn nhận, một người cách ly tại nhà có khả năng sinh hoạt chung với nhiều người trong gia đình, rất khó tuân thủ phòng dịch như cách ly ở trung tâm. Do đó, để giám sát F1 tại nhà hiệu quả cần quy định chặt chẽ từ nơi ở, yếu tố dịch tễ để tránh xảy ra lây nhiễm chéo hoặc hình thành ổ dịch.

Ông Tuấn Anh (38 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) nói: “Mình ở nhà riêng nên các tiêu chí của Bộ Y tế đều đáp ứng được. Tuy nhiên, điều mình băn khoăn là trước cửa nhà có gắn biển cảnh báo “địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19” cũng khiến người bị cách ly lo lắng hệ lụy khi bị hàng xóm phân biệt đối xử, đề phòng”.

Thuê trọ trong căn hộ mini ở quận Tân Bình, TPHCM vài năm nay, chị Mai Hoa (nhân viên ngân hàng) cho biết, chị hoàn toàn có đủ điều kiện để được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, do chị Hoa ở một mình nên không biết nhờ ai hỗ trợ chuyện cung cấp thực phẩm, dọn rác… trong 28 ngày cách ly. “Cách ly tại nhà đòi hỏi sự tự giác của F1, nhưng nếu họ không thực hiện thì cơ quan chức năng có biện pháp gì để giám sát, quản lý?”, chị đặt vấn đề.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F1 ở TPHCM được cách ly tại nhà 28 ngày nếu đảm bảo có phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung gia đình. Người cách ly không ra khỏi phòng, không tiếp xúc người trong gia đình và vật nuôi. F1 luôn cài đặt và bật ứng dụng khai báo y tế hằng ngày như VHD (Vietnam Health Declaration), Bluezone, tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe để cập nhật... Tính đến trưa 29/6, TPHCM đang thực hiện cách ly 40.715 người (13.486 người cách ly tập trung, 27.229 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú).

Điều kiện để được cách ly tại nhà là phải ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập). Ngoài ra, phải bố trí phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe… Thực tế, khá đông người Sài Gòn sống ở chung cư.

Theo BS Trương Hữu Khanh, khi thí điểm cách ly tại nhà, nhân viên y tế có thể phải gánh vác nhiều việc hơn, như phải đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm PCR định kỳ.

“Nên chăng, có thể hướng dẫn cho người cách ly tự test nhanh như đã hướng dẫn cho Bắc Ninh, Bắc Giang, sau khi kết thúc cách ly thì lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR để đảm bảo”, BS Khanh nói.

Bình Dương: Áp dụng với F1 ít nguy cơ

Ngày 29/6, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đang triển khai thí điểm cách ly các trường hợp F1 ít nguy cơ tại nhà.

Mỗi địa phương triển khai thí điểm một trường hợp F1 (nếu có) và xem xét kỹ các điều kiện về an toàn COVID-19 để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Đoàn kiểm tra sẽ khảo sát trước, nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn về không gian riêng dành cho người cách ly tại nhà mới được thực hiện.

Ngoài ra, địa phương sẽ bố trí lực lượng chuyên trách theo dõi F1 đang cách ly tại nhà để xử lý kịp thời.

Ông Hà cho biết, trước việc dịch bệnh xâm nhập một số công ty trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các doanh nghiệp thực hiện test nhanh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly, xét nghiệm trong khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Các trung tâm y tế của tỉnh Bình Dương đang tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp thực hiện test nhanh kháng nguyên để tiến tới họ tự thực hiện.

Trong đợt dịch thứ tư này, Bình Dương ghi nhận 302 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng với hàng chục nghìn người liên quan được đưa đi cách ly.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.