> Dựng lại hiện trường, điều tra vụ 7 học sinh chết đuối
> Tìm thấy 7 thi thể học sinh chết đuối trên biển Cần Giờ
Vụ chìm ca nô làm 9 người chết vẫn còn chưa nguôi ngoai, nay thêm 7 học sinh vĩnh viễn lìa bỏ cuộc sống. Nhưng trong toàn bộ sự việc, có thể thấy lỗi hoàn toàn là của người lớn. Từ sự thiếu chuẩn bị chu đáo của nhà trường, nơi lo đưa các em học sinh đi du lịch, đến công ty du lịch, đơn vị đứng ra tổ chức tour tuyến, đến cả khu du lịch nơi các em được đưa đến vui chơi.
Đã có biết bao nhiêu vụ nhà trường đưa học sinh đi tham quan để rồi xảy ra tai nạn và chắc chắn các thầy cô giáo trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương cũng đã từng nghe, từng biết về những vụ tai nạn tương tự. Và người có trách nhiệm ở khu du lịch 30/4 ở Cần Giờ chắc chắn chưa thể quên vụ chìm ca-nô thảm khốc cách nay chưa lâu. Nhưng vì điều gì mà tai nạn thương tâm, và hơn nữa là tai nạn với trẻ em vẫn xảy ra, trong khi có giám sát của thầy cô, của công ty lữ hành, của bảo vệ khu du lịch? Vì điều gì mà những cái chết vô lý vẫn liên tiếp xuất hiện mà nguyên nhân giống nhau?
Có thể tạm gọi đó là sự vô cảm và vô trách nhiệm với đồng loại, dường như đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay chăng? Một đội thi công công trình giao thông chỉ cần có trách nhiệm một chút, tái lập mặt đường cẩn thận một chút thôi thì đã không xảy ra cái chết thương tâm của người đi đường. Một người lái xe chỉ cần quan tâm đến người khác một chút đã không vô ý mở cửa xe vô lối dẫn đến cái chết của một phụ nữ đang mang bầu. Một nông dân chỉ kiềm chế một chút, nén cơn giận bị ăn cắp cá trong ao để rồi nghĩ cách khác thay vì chăng dây điện bẫy trộm, để rồi người chết, người vào tù.
Nếu có trách nhiệm hơn, những thầy cô giáo ấy đã phải tính toán chặt chẽ hơn, đã luôn phải để mắt tới lũ trẻ như thể chúng là con ruột của mình vậy. Và nếu có trách nhiệm hơn, sau một loạt các vụ tai nạn đuối nước xảy ra, bên cạnh việc tập trung cho chuyện kinh doanh, khu du lịch cũng đã phải củng cố đội ngũ làm công tác cứu hộ cứu nạn…
Nhưng câu chuyện chiếc ca-nô cứu hộ lúc sờ đến thì không có xăng, lúc kiếm được xăng thì xe kéo hỏng đã nói lên tất cả cái gọi là “ý thức trách nhiệm” của những người có trách nhiệm.
Người chết không thể sống lại. Và vấn đề của người sống là làm sao và bao giờ chúng ta có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với đồng loại ?