Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Giá vải thiều bình quân cứ cao hơn được 1.000 đồng, bà con Lục Ngạn thu thêm 118 tỷ đồng. Chính vì vậy, năm nay Lục Ngạn có hơn 5 nghìn hộ dân có thu nhập trên 100 triệu đồng trở lên từ vụ vải năm nay, tăng hơn 1,3 nghìn hộ so với năm trước”.
Năm nay, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn xuất ngoại sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Canada, các nước ASEAN với tổng sản lượng đạt 85.500 tấn. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù lượng vải thiều được đưa vào các thị trường mới như Mỹ, Australia còn khiêm tốn (khoảng 250 tấn), song đã khẳng định thương hiệu và chất lượng vải thiều Việt Nam đồng thời tạo đà đẩy mạnh xuất khẩu quả vải thiều vào các thị trường này và các thị trường lân cận trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, người dân Australia khá dị ứng với vải thiều Trung Quốc do vấn đề an toàn thực phẩm nên vải thiều Việt Nam khi vào được đánh giá cao. “Có thời điểm giá vải thiều đạt khoảng 20-22 USD/kg (khoảng hơn 400 nghìn đồng/kg - PV). Thậm chí có siêu thị ở nước này đã định đăng ký tiêu thụ 15-20 tấn/tuần” –
Bà Thúy chia sẻ.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính là bảo quản vải thiều trong quá trình vận chuyển. Hiện tại, cả khu vực miền Bắc không có một cơ sở chiếu xạ nào do đó bắt buộc doanh nghiệp phải di chuyển vào Nam chiếu xạ đẩy chi phí tăng cao (chi phí vận chuyển, chiếu xạ chiếm gần 80% giá thành một kg vải).