Vài tháng nữa nghỉ hưu cũng đi… bồi dưỡng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Việc học tập nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng công việc là cần thiết, tuy nhiên quan trọng nhất là phải đảm bảo công việc hiện tại, và việc đào tạo đúng chất lượng, đúng đối tượng.

Ngay thời điểm nhạy cảm nhất của vụ cháy Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung lại không có mặt tại cơ sở. Lý do ông chủ tịch phường đưa ra trong một cuộc điện thoại với phóng viên là bận đi học.

Được biết, UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức cho cán bộ phó phòng, trưởng phòng; cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã, phường… học các lớp quản lý nghề nghiệp. Một đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, các lớp học hoàn toàn miễn phí, thành phố tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở thu xếp công việc để tập trung học tập. Theo vị này, mỗi ngành dọc đều có những chứng chỉ đào tạo riêng, ngay cả cấp vụ trưởng vẫn đi học là chuyện bình thường.

Việc học tập nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng công việc là cần thiết, tuy nhiên quan trọng nhất là phải đảm bảo công việc hiện tại, và việc đào tạo đúng chất lượng, đúng đối tượng.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, một số lãnh đạo xã thuộc các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Mê Linh (Hà Nội) cho biết, đặc thù là xã loại 2 nên chỉ có  chủ tịch và 1 phó chủ tịch, do đó khi 1 người đi học các lớp đào tạo thì chỉ có 1 lãnh đạo. Công việc hằng ngày vẫn vậy nên khó có thể đòi hỏi 1 người “gánh 2 vai” trọn vẹn được.

Theo một Chủ tịch xã ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) được cử đi học lớp đào tạo bồi dưỡng quản lý Chủ tịch, Phó Chủ tịch, việc học hành tập trung như quân đội khiến nhiều công việc không thể giải quyết. Cụ thể, lớp học trong 2 tháng, lớp không có mạng internet nên hầu như không thể vào mạng để nhận email, nhận các hồ sơ qua mạng… Sáng học đến chiều, tối 21h có điểm danh, nếu không có mặt thì 23h sẽ có người qua kiểm tra lần nữa.

“Nhiều hôm phải bỏ cả cơm chiều để về giải quyết công việc ở địa phương, sau đó vòng về chỗ học để điểm danh tối. Đặc biệt những lớp học cuối năm, công việc nhiều nên vô cùng vất vả”, vị này nói. Một Chủ tịch xã ở huyện Ba Vì nói thêm, việc sàng lọc đối tượng học chưa thực sự tốt. Bởi lớp học tổ chức tháng 12/2017 đến hết tháng 1/2018 là kết thúc, thế nhưng lại có cán bộ sinh năm 1958. Tức là học xong vài tháng là đến độ tuổi nghỉ hưu. Cán bộ sinh năm 1959 (đến 2019 về hưu) thì còn nhiều hơn. Ngoài ra, chương trình học có cái chỉ phù hợp với cấp phường, có cái với cấp phòng; có những cái chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Tương tự đối với các cán bộ ngành Y tế, một cán bộ công tác tại đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Nội cho biết, có nhiều bằng cấp phải học nhưng khi học xong thì… chưa biết để làm gì. Đơn cử như trường hợp của chính cán bộ này, để được lên lương, vị này phải học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó là các chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành như: Bác sĩ chính, bác sĩ cao cấp… để phục vụ nâng lương.
MỚI - NÓNG