Theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), dự kiến cuối tháng 3/2021, lô vắc xin đầu tiên trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều của COVAX Facility về đến Việt Nam, gồm 1,37 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và sau đó 2,8 triệu liều vắc xin tiếp theo dự kiến về đến Việt Nam vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, do nguồn cung vắc xin toàn cầu còn khó khăn, việc xuất khẩu vắc xin tại các nước sản xuất bị hạn chế nên các lô vắc xin đầu tiên này có thể bị lùi lại thời gian cung ứng. Số lượng vắc xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến cung ứng vào quý 3 năm 2021 và có thể phải lùi lại tới năm 2022.
Vắc xin của AstraZeneca được cấp phép sử dụng và cuối tháng 2/2021 đã có lô đầu tiên 117.600 liều vắc xin của hãng AstraZeneca, do SK Bio - Hàn Quốc sản xuất về đến Việt Nam, được triển khai tiêm chủng từ ngày 8/3 đến nay. Dự kiến, 29,87 triệu liều vắc xin còn lại sẽ về đến Việt Nam trong quý 2 và 3 của năm 2021, tuy nhiên thời gian chính xác có thể lùi lại do khó khăn về cung ứng vắc xin trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục khẩn trương làm việc với các đơn vị liên quan để tiếp cận với các nguồn vắc xin khác, triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc xin phòng COVID-19 ở Việt Nam.
Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) đang đàm phán với phía Nga để mua vắc xin Sputnik V với số lượng tối đa và cung ứng trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có thông báo của nhà sản xuất về kế hoạch và thời gian cung ứng vắc xin Sputnik V cho Việt Nam.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vắc xin Sputnik V có 2 loại là dạng đồng bằng và dạng dung dịch. Đối với vắc xin dạng đồng bằng: phải bảo quản ở nhiệt độ từ -18 độ C trở xuống, có hạn sử dụng 6 tháng kể từ ngày sản xuất; tiến hành rã đông vắc xin từ 3-5 phút trước khi sử dụng, sau khi rã đông vắc xin chỉ được sử dụng trong vòng 120 phút, hết thời gian này lọ vắc xin chưa sử dụng sẽ phải hủy bỏ. Đối với vắc xin dạng dung dịch có thể bảo quản ở nhiệt độ từ +2 đến +8 độ C, hạn sử dụng 2 tháng từ ngày sản xuất, sử dụng trong vòng 120 phút sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh và không được để đồng bằng vắc xin.
Với vắc xin của Pfizer, Bộ Y tế đang đàm phán để mua vắc xin của hãng. Theo thông báo từ Pfizer cuối tuần qua, hãng có thể cung cấp 31 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam và lộ trình cung ứng chi tiết sẽ thông báo trong thời gian gần nhất.
Tuy nhiên vắc xin này có yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ âm sâu, từ -80°C đến -60°C, trong khi hệ thống dây chuyền lạnh của Tiêm chủng mở rộng Việt Nam chỉ có thể đáp ứng việc bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2-8°C. Sau khi rã đông, vắc xin phải được sử dụng trong vòng 5 ngày. Thực tế nước Mỹ đã phải hủy bỏ tới 50% số vắc xin do sự cố kho lạnh bảo quản vắc xin. Do đó, việc bảo quản và thực hiện tiêm chủng vắc xin này chỉ có thể được thực hiện tại các đơn vị có điều kiện dây chuyền lạnh phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã khẩn trương làm việc với hãng Johnson & Johnson và Moderna, các nhà sản xuất của Ấn Độ, Trung Quốc đề nghị thông báo chính thức khả năng cung ứng vắc xin phòng COVID-19. Cho đến hiện nay, vẫn chưa có nhà sản xuất nào thông báo về khả năng cung ứng vắc xin phòng COVID-19.