Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án TP Thủ Đức vào ngày 9/12

TPO - Thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua đề án thành lập TP Thủ Đức vào ngày 9/12 tới vừa được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM.

Sáng 7/12, HĐND TPHCM khóa IX đã chính thức khai mạc kỳ họp thứ 23. Đến dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, phụ trách và chỉ đạo Đảng bộ TPHCM cùng Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Phát biểu tại phiên khai mạc, bày tỏ vui mừng được đến dự kỳ họp của HĐND TPHCM, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá kỳ họp này rất quan trọng, diễn ra ngay sau kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị. Đây là những điều kiện để TPHCM phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong phiên họp thứ 51 dự kiến diễn ra vào ngày 9/12 tới, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Đây là những cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng, đáp ứng nguyện vọng và sự chờ đợi của nhân dân TP.HCM, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của TPHCM.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án TP Thủ Đức vào ngày 9/12 ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại kỳ họp

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá HĐND TPHCM đã thực hiện tốt hoạt động của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm lan tỏa phương châm “nghe cử tri nói, nói cử tri nghe…” góp phần nâng cao chất lượng và hiệu của hoạt động của HĐND nói riêng, của Quốc hội nói chung.

“Nhiệm vụ sắp tới của HĐND TPHCM rất quan trọng. TPHCM không còn HĐND cấp quận và phường, khi triển khai chính quyền đô thị. Khi đó, trách nhiệm nặng nề gánh lên vai của HĐND TPHCM” – ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh và cho biết năm 2021, cả nước có nhiều sự kiện rất quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, bầu Quốc hội khóa 15 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nên HĐND TPHCM phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu, lựa chọn nhân sự ứng cử đại biểu thật sự tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyên vọng của nhân dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách chỉ đạo Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đánh giá trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội có 3 nghị quyết quan trọng. Đó là Nghị quyết 54 thí điểm về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Nghị quyết về cho phép TPHCM tổ chức chính quyền đô thị và thành lập TP Thủ Đức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án TP Thủ Đức vào ngày 9/12 ảnh 2 Một góc TP Thủ Đức trong tương lai

Về triển khai Nghi quyết 54, ông Nguyễn Thiện Nhân nói TPHCM đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách như phê duyệt dự án nhóm A, chuyển mục đích sử dụng đất diện tích dưới 10 ha, phân cấp một số thẩm quyền của thành phố cho quận huyện, ban hành chính sách thu hút các chuyên gia và đang xây dựng đề án thu phí hạ tầng cảng biển... Tuy nhiên, về tăng thu ngân sách, hai giải pháp lớn vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc như chính sách cổ phần hóa và nguồn thu từ sắp xếp cơ sở nhà đất các cơ quan Trung ương trên địa bàn

Đánh giá về nghị quyết cho phép TPHCM tổ chức chính quyền đô thị, ông Nhân nói đây là thời cơ để phát triển nhanh hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển của thành phố và cả nước tốt hơn.

“TP Thủ Đức phải là TP đáng sống, Thành phố xanh, kinh tế tri thức, trí tuệ sáng tạo. Phải chuẩn bị từ quý 1 năm nay đến ngày bầu cử bộ máy nhân sự” – ông Nhân lưu ý.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ Kỳ cho rằng, kỳ họp thứ 23 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Đại dịch COVID-19 vẫn xảy ra nghiêm trọng, kinh tế thế giới suy thoái, cùng những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong nước đã tác động bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước.

Đây cũng là kỳ họp thường lệ cuối năm cuối cùng của nhiệm kỳ IX, 2016- 2021, là dịp để HĐND TPHCM nhìn nhận lại những vấn đề đã khẳng định với cử tri trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo bà Lệ, tại kỳ họp này, HĐND TPHCM sẽ tập trung xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021. Ước thực hiện thu - chi ngân sách năm 2020 và dự toán thu - chi ngân sách thành phố năm 2021, phê duyệt quyết toán ngân sách năm 2019.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án TP Thủ Đức vào ngày 9/12 ảnh 3 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (thứ 2 từ phải qua) trao đổi cùng lãnh đạo TPHCM tại phiên khai mạc kỳ họp 23 HĐND TPHCM

Ngoài ra, HĐND TPHCM sẽ xem xét các tờ trình như: Kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2021; Đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố; phí thăm quan di tích lịch sử Căn cứ Rừng Sác, huyện Cần Giờ; Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi; đặt tên 224 tuyến đường trên địa bàn một số quận, huyện…

Đáng lưu ý, HĐND TPHCM sẽ tiến hành chất vấn đối với Chủ tịch UBND TPHCM về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố và việc thực hiện các cam kết sau các Chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố”.

MỚI - NÓNG