Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 tới
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 tới
TPO - Tại phiên họp tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 tới.

Ngày 11/3, Văn phòng Quốc hội cho biết, Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong ngày 15/3. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Theo chương trình dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ cũng cho ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.

Đặc biệt, tại phiên họp này, Thường vụ cũng cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 tới.

Trước đó, tại phiên họp 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày. Trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác, trong đó có công tác nhân sự.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước. Tuy vậy, những người không còn giữ chức vụ vẫn thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cho tới khi Quốc hội khoá mới được bầu ra. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3, dự kiến bế mạc vào ngày 7/4.

Tại Hội nghị Trung ương 2, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước với số phiếu tập trung cao.

Bộ Chính trị đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, căn cứ kết quả biểu quyết và giới thiệu nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước để chuẩn bị trình Quốc hội.

MỚI - NÓNG