Ước nguyện gửi gắm yêu thương

Bé Hải An hiến giác mạc cho 2 người khác
Bé Hải An hiến giác mạc cho 2 người khác
TP - Ở Phương Đông luôn tồn tại khái niệm sinh - tử luân hồi, mỗi cái chết là khởi đầu một cuộc đời mới. Những con người mang trái tim thiên sứ về miền cực lạc, hiến tặng cho đồng loại một phần cơ thể của mình thì sự ra đi ấy sẽ không là hư vô bởi từ đó, sự sống khác tiếp tục được hồi sinh... 

“Cho đi là còn mãi”

Sống là cho đi, là in dấu giữa cuộc đời này. Chính suy nghĩ đó đã giúp những người sẵn sàng hiến tặng một phần cơ thể mình trước khi trở về với cát bụi có một cuộc sống trọn vẹn nghĩa tình.

Lại nhớ ngày 22/2/2018, đường dây nóng của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia nhận được cuộc điện thoại, là giọng nghẹn ngào, đứt quãng của một người phụ nữ trẻ: “Con tôi, bé gái Nguyễn Hải An mới 7 tuổi, 3 tháng đang trong tình trạng hôn mê do u cầu não xâm lấn. Gia đình có nguyện vọng hiến tặng nội tạng của cháu cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng”.

Ước nguyện gửi gắm yêu thương ảnh 1 Gia đình anh Dương Hồng Quý
Chị là Nguyễn Thùy Dương (33 tuổi), người đang trong giây phút đau đớn tột cùng khi biết thời khắc phải chia xa vĩnh viễn con gái bé bỏng của mình không còn bao lâu nữa. Có cuộc gọi điện thoại đó bởi khi Hải An còn tỉnh táo, vài lần, chị Dương kể cho con về những người đã mất hiến nội tạng để cứu sống người khác. Cô bé lắng nghe chăm chú, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Hải An rất hiểu chuyện. Chị Dương vẫn nhớ ở thời điểm còn tỉnh táo, cô gái nhỏ níu mẹ xuống thì thầm: “Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận của cơ thể con vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác”.

Đến trưa 22/2, khi thấy con gái khó qua khỏi, chị Dương gọi điện đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia để xin được hiến tạng của con. Nhưng theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, vì bé Hải An dưới 18 tuổi nên chỉ có thể hiến giác mạc. Giác mạc của bé sau đó đã được ghép cho 2 người khác thành công. Hành động cao đẹp của bé Hải An gây xúc động mạnh đối với hàng triệu người. Ngay sau đó, rất nhiều người đã đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia để đăng kí hiến tạng khi chết não. 

Ngày tiễn Hải An về trời, có biết bao người chưa từng gặp con ngoài đời, nhưng họ cùng chung xúc cảm nghẹn ngào trước nghĩa cử của cô bé. Hải An đã sống một cuộc đời ngắn ngủi, nhưng những gì con nghĩ được và làm được khiến mọi người hiểu rằng, dù không thể tiếp tục sống dài lâu nhưng Thiên sứ Hải An đã sống một cuộc đời cao cả và trọn vẹn...

“Em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh ra đi nhưng tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở, đôi mắt anh vẫn sáng để dõi theo 3 mẹ con” - đó là lời thì thầm của chị Tạ Thị Kiều - vợ thiếu tá Lê Hải Ninh trong những phút cuối cùng trước khi các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 chuyển anh vào phòng mổ lấy tạng.

Lời nhắn nhủ với người chồng khi anh bước sang thế giới bên kia mà những người đứng cạnh nghe như lời chị trò chuyện với anh, cái chạm tay thật khẽ của chị vào bàn tay anh, như sợ làm anh đau, như thể chị tin rằng anh vẫn đang nghe chị nói. “Em không biết việc làm của em là đúng hay sai. Em không biết anh có giận em hay không, em muốn anh cứu được nhiều người khác”, giọng người vợ trẻ nghẹn lại, không có tiếng khóc nấc nào bật lên, nhưng bão giông thì đang vần vũ trong trái tim người phụ nữ nhỏ bé ấy. Các y bác sĩ chứng kiến giây phút có những người lén lau nước mắt… Ngày Thiếu tá Lê Hải Ninh hiến tạng đánh dấu bước tiến mới làm nên kỳ tích của y học Việt Nam khi các bác sĩ đã có thể ghép đa tạng cùng lúc, đồng thời thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não.

Những ngày cuối năm 2018, sự ra đi của anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, ở Hà Nội) gây xúc động hàng triệu con tim khi anh hiến 7 tạng để cứu sống 6 người mang trọng bệnh. Nghĩa cử cao đẹp của Thiếu tá Ninh, anh Quý, bé Hải An và gia đình họ đã viết nên câu chuyện đầy nhân văn, truyền cảm hứng cho biết bao người, làm lan toả thông điệp “Cho đi là còn mãi”. 

Những người gieo “Quả Phúc”

Đằng sau hành động hiến tạng cứu người là câu chuyện buồn, xót xa cho những số phận không may của cuộc đời. Họ đã giúp cho nhiều người khác một lần nữa được trải nghiệm cuộc đời, tìm lại cuộc sống tưởng như đã vĩnh viễn rời xa. Họ chỉ là những người bình thường, nhỏ bé, mang trong mình bạo bệnh nhưng đã làm được những việc lớn lao, vượt qua quan niệm về tín ngưỡng, nỗi đau thể xác, tinh thần. 

Đức Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991) một bậc thầy nổi tiếng của dòng Nyingma, Phật Giáo Tây Tạng từng nói rằng: “Việc hiến tặng thi thể ấy là một điều tốt, bởi vì nó phát khởi từ động cơ làm lợi lạc cho người khác với lòng bi mẫn chân thật. Và một khi nó là ước nguyện cuối cùng của người chết thì tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hoặc có hại gì cho thần thức của họ khi họ rời bỏ thể xác. Trái lại, việc làm tích cực này sẽ góp phần tạo thiện nghiệp cho người ấy trong đời sống vị lai”. 

Những lần giảng trong lễ đăng ký hiến tặng mô, tạng và hiến xác cho y học tại chùa Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng từng nói: “Trong quan niệm của Phật giáo, việc hiến mô, tạng và thi thể hoàn toàn không có một trở ngại gì cho tiến trình tái sinh của người chết sau đó mà ngược lại, nó còn có những “Quả Phúc” rất đáng kể. Do vậy, những người quan tâm đến hạnh phúc của cuộc sống nên tình nguyện hiến tạng mà Đức Phật gọi là bố thí nội tài”.

Những con người trước khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không chút sân si, vẫn một lòng hướng thiện, muốn cứu khổ đồng loại bằng chính một phần thân thể của mình không chỉ mang lại những tháng ngày hạnh phúc cho bao gia đình mà còn thêm một lần giúp y học Việt Nam khắc dấu mốc lịch sử. Giấc mơ của bao thế hệ thầy thuốc giờ đây đã thành thực hiện, khi chính các bác sĩ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép phổi, mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người mắc bệnh phổi giai đoạn cuối đang chết dần, chết mòn.

Nhưng hơn cả, bên cạnh chứng minh sự phát triển kỹ thuật y học còn cho thấy bước tiến trong văn hóa bởi hiện nay người dân không còn nhiều bỡ ngỡ và ngại ngần khi nói về hiến tạng. Cho đi một phần cơ thể mình giờ đây đã trở thành nghĩa cử và bản chất tốt đẹp của nền tảng văn hóa Phương Đông trong triết học về nhân sinh quan, thế giới quan khoa học và con người.

Cho đi là còn mãi - tâm niệm của những người hiến tạng cũng chính là động lực giúp người thân của họ đứng vững trước mất mát, đau thương không thể diễn tả thành lời. Trên hành trình cuộc đời phía trước của những người ở lại, chắc chắn trong thẳm sâu con tim, họ mãi mang theo niềm tự hào về người thân của mình. Những người hôm nay hoặc ngày mai sẽ đăng ký hiến tạng như thiên thần Hải An, thiếu tá Lê Hải Ninh, anh Dương Hồng Quý sẽ là những người viết tiếp câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lan tỏa cách sống, cách nghĩ và cách ra đi ý nghĩa, để lại món quà kỳ diệu giữa cuộc đời với trùng trùng, lớp lớp ước nguyện gửi gắm yêu thương...

MỚI - NÓNG