Ứng viên Anh em Hồi giáo  đắc cử tổng thống Ai Cập

Ứng viên Anh em Hồi giáo  đắc cử tổng thống Ai Cập
TP - Ngày 24-6, ứng cử viên Mohammed Mursi của Muslim Brotherhood (Anh em Hồi giáo), tổ chức đối lập chính trị lớn nhất ở nhiều nước Ảrập, bị một số quốc gia cáo buộc liên quan hoạt động khủng bố, được tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập.

> Giữa hai con đường

Ông Mohammed Mursi được tuyên bố thắng cử tổng thống. Ảnh: BBC
Ông Mohammed Mursi được tuyên bố thắng cử tổng thống. Ảnh: BBC.

Ông Mursi giành được 51,73% phiếu bầu, đánh bại cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq, trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, Ủy ban Bầu cử Tổng thống tuyên bố.

Trưởng ban kiểm phiếu Farouq Sultan nói rằng, họ nhận được 466 đơn khiếu nại về kết quả bầu cử, trong đó có đơn của các ứng cử viên. Tuy nhiên, kết quả bầu cử vẫn được công nhận.

Trước khi có Ủy ban Bầu cử Tổng thống công bố kết quả bầu cử, cả ông Mursi và ông Shafiq tuyên bố mình giành chiến thắng.

Ngày 24-6, an ninh được thắt chặt ở Cairo. Xe tăng còn được triển khai xung quanh trụ sở Ủy ban Bầu cử Tổng thống.

Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq đổ lỗi truyền thông quốc tế, thậm chí chính phủ các nước phương Tây muốn chiến thắng thuộc về tổ chức Anh em Hồi giáo.

Họ cảnh báo rằng, Ai Cập sẽ hứng chịu hậu quả tàn khốc nếu những người Hồi giáo nắm quyền.

Vấn đề đặt ra với ông Mohammed Mursi hiện nay là đoàn kết mọi tầng lớp để mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.

Tuyên bố của Ủy ban Bầu cử Tổng thống khiến đám đông người ủng hộ ông Mursi reo hò vang trời tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo - nơi khởi nguồn của cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak 17 tháng trước.

Binh sĩ được triển khai quanh trụ sở Ủy ban Bầu cử Tổng thống. Ảnh: Getty Images
Binh sĩ được triển khai quanh trụ sở Ủy ban Bầu cử Tổng thống. Ảnh: Getty Images.

Cuối tuần qua, hàng chục nghìn người tập trung ở quảng trường để phản đối một loạt sắc lệnh của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) cầm quyền.

Các sắc lệnh nhằm giảm hoặc hạn chế quyền lực của tổng thống và gia tăng quyền lực của giới quân sự.

Ngày 13-6, Bộ Tư pháp trao quyền cho binh sĩ bắt giữ dân thường để xét xử tại tòa án quân sự cho đến khi hiến pháp mới được phê chuẩn.

Bốn ngày sau, khi vòng bầu cử bổ sung sắp kết thúc, các tướng lĩnh quân đội Ai Cập ra tuyên bố hiến pháp lâm thời cho phép họ có tất cả quyền lực lập pháp và củng cố vai trò của họ trong việc soạn thảo hiến pháp lâu dài. Giới quân sự còn được miễn trừ việc bị giám sát dân sự.

Ngày 19-6, Chủ tịch SCAF, Thống chế Mohammed Hussein Tantawi, tuyên bố tái thành lập Hội đồng Quốc phòng. Điều này đồng nghĩa với việc các tướng lĩnh quân đội phụ trách chính sách an ninh quốc gia của Ai Cập.

Nhiều người lo ngại về ý định của các tướng lĩnh cầm quyền - những người tự trao cho mình quyền lực mới, sau khi Tòa án Hiến pháp Tối cao phán quyết rằng, phải giải tán Quốc hội do người Hồi giáo chiếm đa số.

“Giới quân sự phải rời bỏ vai trò chính trị và trở lại vai trò cơ bản của mình là bảo vệ đất nước, không phải là tiếp tục cai trị đất nước và quản lý các vấn đề của người dân. Người Ai Cập sẽ không chấp nhận điều này”, Abdel Nasser Hijab, một người biểu tình ở Quảng trường Tahrir nói.

Tiểu sử tổng thống đắc cử Mohammed Mursi -60 tuổi

-Giáo sư cơ khí được đào tạo ở Mỹ

-Lãnh đạo đảng Công bằng và Tự do (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo

-Là nghị sĩ độc lập giai đoạn 2000-2005

-Nói năng nhẹ nhàng, bị một số người cho rằng thiếu sức hút của một lãnh tụ

-Hứa hẹn “ổn định, an ninh, công bằng và thịnh vượng”.

Thái An
Theo BBC, AP, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.