Theo South China Morning Post, nhà vệ sinh mới là một phần nỗ lực của Trung Quốc trong việc ứng dụng AI rộng rãi vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ thùng rác đến đèn giao thông đều được AI hỗ trợ.
Theo một tài liệu được chính quyền thành phố công bố, mỗi phòng vệ sinh này có một cảm biến cơ thể người, sử dụng tia hồng ngoại và siêu âm để phát hiện người bên trong và họ đã ngồi ở đó bao lâu. Các cảm biến cũng giám sát chất lượng không khí bên trong và điều chỉnh tính năng tiết kiệm nước dựa trên thời gian "ngồi".
Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến cũng đang xây dựng nhà vệ sinh công cộng thông minh hơn. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan hồi đầu năm nay, hơn 700 thành phố ở Trung Quốc đã đề xuất hoặc đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh.
Vào năm 2019, quy mô thị trường các thành phố thông minh của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt quá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ và được dự đoán sẽ đạt 25 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.
Công nghệ đang được áp dụng cho mọi thứ, từ an ninh sân bay và phòng chống tội phạm đến phân loại rác ở Trung Quốc. Ở trung tâm công nghệ cao phía nam Thâm Quyến, những người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định đã bị "chỉ điểm" và xấu hổ bởi các chương trình nhận dạng khuôn mặt thí điểm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhiệt tình với các thiết bị vệ sinh mới.
"Nhà vệ sinh kiểu này có thể khiến tôi xấu hổ", một công dân Thượng Hải xin giấu tên, nói. "Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã quen sử dụng nhà vệ sinh tới nửa giờ, điều này có nghĩa là một nhân viên vệ sinh sẽ đến kiểm tra tôi tới hai lần liền, điều này khiến tôi lo lắng".