Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Ngồi chờ tương lai hay hành động ngay?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Trong số các loại công nghệ truyền thông được dự báo sẽ là xu hướng chủ đạo của năm 2019, trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ là khó hiểu nhất, nhưng đang nhanh chóng hiện diện ngày càng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. 

Nhiều người đang tương tác với đa dạng các loại hình AI nhiều lần trong ngày mà không hề nhận ra. Chúng ta thường xuyên sử dụng các công cụ tìm kiếm, sử dụng các phần mềm bản đồ như Waze, ra lệnh cho trợ lý ảo Siri của Apple hay Alexa của Amazon, tương tác với các cửa hàng online, trò chuyện với các thiết bị thông minh từ đồng hồ đeo tay, loa cho đến xe hơi… Hồi tháng 5 năm nay, Google trình diễn trợ lý ảo có khả năng nói chuyện y như người thật, thậm chí ứng biến linh hoạt khi có tình huống bất ngờ trong cuộc hội thoại.

Trí tuệ nhân tạo cũng bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới, từ các cơ quan báo chí lớn của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến các quốc gia đang phát triển như Brazil, Argentina, và cả Việt Nam. AI đã và đang được sử dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí, từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, cho đến viết tin bài tự động. Cá nhân tôi đã được xem hệ thống của hãng Kyodo kết hợp với một start-up của Nhật Bản sản xuất thông tin chứng khoán tự động, và xem BBC trình diễn dịch thuật video tự động. Hãng thông tấn STT của Phần Lan dùng trí tuệ nhân tạo nên có thể dịch tin tức sang tiếng Anh và tiếng Thụy Điển trong thời gian tính bằng giây. Đầu tháng 11 vừa qua, Tân Hoa Xã của Trung Quốc giới thiệu những người dẫn chương trình thời sự đầu tiên trên thế giới sử dụng trí tuệ nhân tạo, có thể “đưa tin không mệt mỏi” suốt cả ngày, từ bất kỳ nơi đâu trên toàn quốc.

Quả thực, không điều gì khiến cánh nhà báo hãi hùng bằng việc dùng robot đưa tin. Nhưng một khi các phóng viên và biên tập viên bỏ lại đằng sau cái viễn cảnh một ban biên tập chỉ toàn là robot và nghe về tất cả những công việc tẻ nhạt mà robot có thể gánh vác giúp họ, nỗi kinh hoàng sẽ được thay thế bằng sự tò mò và chấp nhận một cách thận trọng.

Khoảng giữa năm 2016, Washington Post đã tung ra ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Heliograf để tạo ra các bản tin do robot viết. Theo lời Giám đốc sáng kiến chiến lược Jeremy Gilbert, tờ báo này mỗi ngày đã sản xuất 350 bản tin ngắn và các thông báo khẩn về Thế vận hội ở Rio, hàng trăm bản tin về các cuộc chạy đua vào quốc hội và vị trí thống đốc bang, và hàng trăm tin về các cuộc thi đấu thể thao ở các trường học địa phương.

Ông Gilbert cho biết nếu không nhờ robot, phần lớn những câu chuyện đó sẽ không bao giờ được lên báo. Trong các cuộc bầu cử trước năm 2016, Heliograf chưa tồn tại. Đến năm 2016, Washington Post sử dụng Heliograf để tạo ra số tin bài nhiều hơn gấp gần 7 lần. Và các tin bài đó không chỉ gồm những số liệu thống kê.

Washington Post đặt ra hai mục tiêu cho chương trình đưa tin tự động của họ: Thứ nhất, tăng lượng người xem. Với chương trình đưa tin tự động, họ có thể đưa tin nhiều hơn về những chủ đề ngách mà họ không có nhân viên viết bài nhưng lại có độc giả, cho dù chúng ít hơn so với những chủ đề “nóng” được phóng viên đưa tin. Mục tiêu thứ hai là khiến tờ báo hoạt động hiệu quả hơn. Bằng cách giao những công việc tẻ nhạt cho máy móc, Heliograf cho phép các phóng viên tập trung vào những câu chuyện đòi hỏi trí tuệ và óc sáng tạo của con người.

Hãng thông tấn AP cũng sử dụng robot để tự động viết tin, thậm chí từ đầu năm 2015. Dùng robot đưa tin đã giải phóng 20% thời gian của phóng viên viết tin bài về hoạt động của doanh nghiệp và nâng cao tính chính xác. Theo một lãnh đạo cấp cao, khi AP tự động hóa việc đưa tin về tài chính, tỷ lệ sai sót trong các bản tin đã giảm xuống ngay cả khi số lượng đầu ra tăng gấp 10 lần. AP đặt kế hoạch vào năm 2020, robot sẽ sản xuất tới 80% lượng tin bài của hãng thông tấn này.

USA Today thì sử dụng Wibbitz, một phần mềm trí tuệ nhân tạo, để tạo các đoạn video ngắn. Công cụ này chọn một câu chuyện trình bày dưới dạng văn bản, rút gọn nó, thu thập hình ảnh và/hoặc video, và thậm chí thêm cả lời bình.

Và trong khi nhiều cơ quan báo chí loại bỏ các bình luận (comment) vì khâu duyệt quá khó khăn, Washington Post và New York Times đã làm ngược lại. Đội ngũ kỹ thuật của Washington Post phát triển ModBot để phân loại các bình luận mới căn cứ vào lịch sử các quyết định do các nhân viên của báo đưa ra trong suốt một thời gian trước đó. New York Times cũng sử dụng AI để phân biệt các bình luận độc hại với các bình luận lành mạnh.

Nhiều tòa soạn lớn và các hãng thông tấn trên thế giới đang dần “chuyển giao” việc viết tin thể thao, thời tiết, diễn biến của thị trường chứng khoán và hoạt động của doanh nghiệp cho máy tính. Điều bất ngờ là máy móc có thể làm việc chặt chẽ và toàn diện hơn một số nhà báo. Trong lúc một số đồng nghiệp của chúng ta khi viết bài chỉ trích dẫn một nguồn tin, các phần mềm có thể nhập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhận biết các xu hướng và các kiểu mẫu, rồi áp dụng quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing) để đặt những xu hướng đó vào ngữ cảnh cụ thể, viết nên những câu văn phức tạp có nhiều tính từ, có cả sự ẩn dụ và so sánh ví von. Robot giờ đây thậm chí có thể viết ra những bản tin về xúc cảm của đám đông trong một trận bóng đá nảy lửa.

Giữa tháng 11/2018, Thông tấn xã Việt Nam đã giới thiệu chatbot đầu tiên của một cơ quan báo chí chính thống tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực báo chí. Chatbot này tự động tương tác với độc giả, đề xuất nội dung theo nhu cầu của người đọc và có khả năng cá nhân hóa cao tùy theo lịch sử trao đổi giữa người và máy. Sau thời gian thử nghiệm với báo điện tử VietnamPlus, chatbot này sẽ được tích hợp cho tất cả các sản phẩm thông tin của TTXVN, cả bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Những tiến triển trên đây đang khiến nhiều người làm báo lo sợ rằng trí tuệ nhân tạo sẽ làm cho họ mất việc. Nhưng thay vì sợ hãi, các nhà báo nên nắm bắt những bước tiến công nghệ này, bởi nó có thể là cứu tinh giúp họ hoạt động hiệu quả hơn trong một thế giới phức tạp, toàn cầu hóa và tràn ngập thông tin như hiện nay.

Trí tuệ nhân tạo có thể tiếp sức mạnh cho nhà báo trong hoạt động đưa tin, sự sáng tạo và khả năng tương tác với độc giả. Sử dụng những mẫu dữ liệu có thể dự đoán trước và được lập trình để “học” các biến thể với các mẫu này qua thời gian, một thuật toán có thể giúp các phóng viên sắp xếp, phân loại và sản xuất nội dung với tốc độ mà trước đây chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Nó có thể hệ thống hóa dữ liệu để tìm ra điểm kết nối cho một bài phóng sự điều tra. Nó có thể xác định các xu hướng và phát hiện điểm nổi bật trong hàng triệu điểm dữ liệu và đó có thể là manh mối cho một bài viết công phu. Chẳng hạn, khi một tòa báo liên tục bổ sung dữ liệu về mua sắm công cho một thuật toán, nó sẽ so sánh chéo các dữ liệu này với các công ty có chung địa chỉ. Hệ thống sẽ chỉ ra cho phóng viên nhiều đầu mối về khả năng xảy ra tham nhũng tại một cơ quan nào đó.

Máy tính không chỉ có khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để hỗ trợ kịp thời cho các bài phóng sự điều tra, nó còn có thể giúp thẩm định sự chính xác của thông tin (fact-check). Theo một báo cáo của đơn vị nghiên cứu Tow Centre vào năm 2017, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã sử dụng trí tuệ nhân tạo vào việc này. Ví dụ như Reuters đang dùng phần mềm News Tracer để theo dõi tin nóng trên truyền thông xã hội và thẩm định tính toàn vẹn của các dòng trạng thái trên Twitter. Serenata de Amor, một nhóm tập hợp những người say mê công nghệ và nhà báo của Brazil, sử dụng một robot tên là Rosie để theo dõi các khoản chi tiêu đáng ngờ của các nghị sĩ.

Thuật toán còn có thể giúp cho các nhà báo theo nhiều cách khác: từ việc biên tập video cho đến nhận các mẫu giọng nói hay xác định các khuôn mặt trong đám đông. Chúng cũng được lập trình để trò chuyện với độc giả (chatbots) và trả lời các câu hỏi. Điều thú vị là quá trình này không thể xảy ra nếu thiếu vắng sự hiện diện của nhà báo bằng xương bằng thịt vì chính họ – với mục tiêu rõ ràng trong tư duy – đưa ra những câu hỏi liên quan về các dữ liệu để dạy cho máy móc. Phóng viên và biên tập viên cẩn nhanh chóng tìm hiểu cách hoạt động của các hệ thống để cải thiện hoạt động tác nghiệp báo chí.

Tuy nhiên, các nhà báo cần hiểu rằng thuật toán cũng có thể lừa dối. Máy móc là do con người lập trình, và con người luôn có định kiến, có những lỗi logic có khả năng dẫn đến những kết luận sai lầm. Điều đó có nghĩa là các nhà báo luôn luôn cần kiểm tra kết quả bằng những thủ thuật thẩm định đã tồn tại cả thế kỷ: kiểm tra chéo các nguồn tin, so sánh các tài liệu, và hoài nghi các phát hiện.

Trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra những vấn đề về đạo đức. Nhà báo Paul Chadwick của The Guardian từng viết: “Những phần mềm có khả năng ‘tư duy” đang ngày càng trở nên hữu ích, nhưng chưa chắc nó đã thu thập hoặc xử lý thông tin một cách có đạo đức.”

Sự minh bạch cũng là một điều bắt buộc trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo. Để giữ uy tín và niềm tin, các cơ quan báo chí phải cho độc giả biết họ thu thập những thông tin cá nhân nào. Các phóng viên điều tra cần giải thích về cách thức họ sử dụng các thuật toán để tìm ra mẫu hoặc xử lý các chứng cứ cho một câu chuyện, nếu họ không muốn bị đánh đồng với những kẻ có dụng ý xấu, bí mật thu thập dữ liệu người dùng để sử dụng như là một vũ khí thương mại hoặc chính trị. Hơn nữa, một nền báo chí nhân văn lành mạnh cần bảo vệ những tiếng nói yếm thế và những vấn đề hóc búa ít được quan tâm để thu thập dữ liệu một cách có hệ thống.

Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Ngồi chờ tương lai hay hành động ngay? ảnh 1 Nhà báo Lê Quốc Minh - Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

Rõ ràng trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ báo chí theo cách thức chưa từng thấy trước đây, rõ ràng nó đang mang lại những thách thức mới cũng như những cơ hội mới. Đương nhiên, nếu không có một quan điểm rõ ràng về báo chí, công nghệ này sẽ chẳng giúp tạo ra một xã hội được thông tin đầy đủ. Nếu không xử lý được những vấn đề đạo đức, trí tuệ nhân tạo có thể khiến báo chí suy tàn. Nếu không vì mục tiêu cao đẹp là phụng sự độc giả và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, không có những quy trình minh bạch cộng với sự giám sát của công chúng, báo chí sẽ mất đi sự tin cậy trong lòng độc giả-khán thính giả, dù chúng ta có sử dụng công nghệ hiện đại thế nào đi chăng nữa.

Giữa cuộc cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, giữa bê bối tin giả đang ngày càng khó kiểm soát, giữa cơn bão phát triển công nghệ truyền thông mới, nhiều chuyên gia khẳng định hiện đang là Thời đại Vàng của báo chí. Những người sáng tạo nội dung đang có nhiều công cụ hơn bao giờ hết để có thể kể chuyện một cách hoàn thiện và có tính thuyết phục. Nhưng Thời đại Vàng chỉ đến với những cơ quan báo chí biết sử dụng các công cụ và nền tảng mới để bắt kịp tốc độ thích nghi công nghệ mới của chính độc giả của họ. Thời đại Vàng sẽ chỉ là vàng với những cơ quan báo chí dám thay đổi, những tờ báo lưỡng lự và chậm chân sẽ phải thu hẹp, và nhiều tờ báo thậm chí sẽ không còn tồn tại.

Tôi xin kết thúc bài tham luận bằng lời phát biểu của chuyên gia Amy Webb, CEO của Viện nghiên cứu Tương lai Ngày nay: “Con người nói chuyện với máy móc – và cuối cùng là máy móc nói chuyện với nhau – phản ánh bước chuyển quan trọng trong hệ sinh thái thông tin của chúng ta. Hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục phát triển, dù có hay không sự can dự trực tiếp của nhà báo. Lãnh đạo các cơ quan báo chí phải quyết định: chờ đợi và quan sát tương lai hình thành, hoặc tích cực tham gia ngày từ bây giờ. Tôi hy vọng họ chọn phương án thứ hai”./.

Một số ví dụ về việc sử dụng trí tuệ trong báo chí

Báo chí robot: Sản xuất tin bài từ dữ liệu. Ban dầu nó được dùng để đưa tin về thể thao và tài chính. Nó giúp giải phóng các nhà báo khỏi những công việc lặp đi lặp lại, tăng hiệu quả và giảm chi phí. Hãng tin AP sử dụng phần mềm Wordsmith để biến các dữ liệu tài chính thành bài viết. Washington Post dùng công nghệ tự phát triển là Heliograf để đưa tin về các sự kiện thể thao và hoạt động tranh cử.

Tổ chức quy trình: Theo dõi tin nóng, tập hợp và tổ chức thông tin sử dụng tag và link, quản lý comment, và tự động tạo các bản ghi giọng nói. New York Times sử dụng công cụ Perspective API do Jigsaw (thuộc Alphabet) phát triển để quản lý comment của độc giả. Nền tảng Reuters Connect dành cho các nhà báo hiển thị mọi nội dung của Reuters, kể cả nội dung tư liệu, và nội dung từ các đối tác liên kết trên toàn thế giới theo thời gian thực.

Theo dõi tin trên mạng xã hội: Phân tích các dữ liệu theo thời gian thực, xác định những nhân vật có ảnh hưởng và tương tác với độc giả. Hãng AP sử dụng Newswhip để theo dõi các xu hướng trên mạng xã hội và tăng tương tác.

Tương tác với độc giả: Ứng dụng chatbot của Quartz Bot cho phép người dùng gõ câu hỏi về các sự kiện thời sự, nhân vật hoặc địa điểm, và ứng dụng sẽ trả nội dung mà nó cho là phù hợp với người đó. Các ứng dụng khác như bot cho Facebook Messenger của Guardian. BBC thì dùng bot để đưa tin về trưng cầu dân ý EU. AfriBOT của Trung tâm Báo chí châu Âu và The Source (Namibia và Zimbabwe), một trong những dự án giành được tài trợ của Innovate Africa, đang phát triển một newsbot nguồn mở “để giúp các cơ quan báo chí châu Phi đăng tin tức cá nhân hóa và tương tác hiệu quả hơn với độc giả trên các nền tảng nhắn tin.”

Tự động kiểm chứng thông tin (fact-check): Cho phép các nhà báo nhanh chóng kiểm chứng các tuyên bố hoặc khiếu nại công khai. Chequeabot được Chequeado ở Argentina sử dụng; Full Fact UK cùng các đối tác đang phát triển một máy kiểm chứng thông tin tự động “có khả năng xác định những khiếu nại đã được kiểm chứng, hoặc phát hiện và kiểm chứng những khiếu nại mới, sử dụng quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên và các dữ liệu đã được sắp xếp theo cấu trúc.” Duke Reporter’s Lab ở Mỹ phát triển công cụ ClaimBuster để đưa những khiếu nại có ý nghĩa lên truyền thông và vào năm 2017 ra mắt một trung tâm cho các dự án kiểm chứng thông tin tự động. Factmata tại Anh cũng đang phát triển một công cụ kiểm chứng thông tin tự động.

Phân tích cơ sở dữ liệu quy mô lớn: Phần mềm quét các dữ liệu và tìm kiếm các mẫu giống nhau, những sự thay đổi hoặc bất cứ điều gì bất thường. Hệ thống Lynx Insight của Reuters có khả năng xử lý những bộ dữ liệu khổng lồ và cung cấp cho nhà báo các kết quả và thông tin bối cảnh. Phần mềm Nhận dạng Mẫu tội phạm của OCCRP thì dùng công nghệ phần tích các dữ liệu lớn trong tài liệu để tìm những vụ tham nhũng tương tự nhau có liên quan đến các vụ phạm tội và mối liên hệ giữa các bên hữu quan.

Nhận biết hình ảnh: Công nghệ ngày nay có thể nhận biết được các đồ vật, địa điểm, khuôn mặt người và thậm chí cả xúc cảm trong các hình ảnh. New York Times sử dụng Rekognition API của Amazon để nhận dạng các nghị sỹ quốc hội trong các bức ảnh. Bất kỳ người dùng nào cũng có thể thử miễn phí công nghệ nhận dạng hình ảnh Vision API của Google.

Sản xuất video: Tự động viết nội dung từ các tin bài có sẵn và sản xuất các video ngắn có lời bình. Phần mềm Wibbitz được USA Today, Bloomberg và NBC sử dụng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đang phát triển một công cụ biên tập video tự động.

Theo Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.