Khi mới xây dựng, với mặt cắt ngang rộng trên 20m (3 làn xe) mỗi chiều đường Phạm Hùng được mệnh danh là đường sân bay ở khu vực cửa ngõ phía Tây, nhưng đến nay sau 10 năm sử dụng tuyến đường này trở nên chật hẹp và thường xuyên ùn tắc. Sáng 8/9, để đi qua con đường dài hơn 5km này, nhiều người dân phải mất hàng giờ. Ùn tắc, các dòng phương tiện đan quấn lấy nhau khiến giao thông không thể dịch chuyển. Với làn đường đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chung cư Keangnam thời điểm 8h sáng, ô tô xếp thành 5 hàng kéo dài, chiếm một làn đường, nhiều xe máy leo lên vỉa nhưng cũng không thể thoát.
Là tuyến đường hướng tâm và mới được thông xe vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), những ngày qua tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu với mặt cắt ngang rộng trên 30m cũng trở nên quá tải với lượng phương tiện đi lại. Ghi nhận của chúng tôi, từ hơn một tuần qua ngày nào tuyến đường này cũng xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Sáng qua, ùn tắc trên tuyến đường này kéo dài từ Hà Đông đến cầu vượt Láng Hạ. Tình trạng ùn tắc như nêm, khiến phương tiện đứng bất động thời gian dài cũng xảy ra trên nhiều trục đường lớn, như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy - Xuân Thủy, Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Trường Chinh, Khâm Thiên, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Quán Thánh…
Đại công trường dang dở
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 8/9, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, nguyên nhân ùn ứ giao thông những ngày qua là do bước vào năm học mới. Còn tình trạng ùn tắc sáng 8/9, có phần do cơn mưa quá to đúng vào giờ cao điểm, khi người dân đi làm. Tình trạng này dẫn đến phương tiện đi lại khó khăn, tắc ứ một số tuyến phố: Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Tôn Đức Thắng, Xuân Thủy, Cầu Giấy...
Theo ông Trần Trọng Hanh, các thành phố phát triển đều có quy hoạch tốt và họ bám theo quy hoạch để xây dựng, phát triển, nhưng Hà Nội lại đang quản lý đô thị và thực hiện quy hoạch theo kiểu “thả phanh”. Đơn cử như hiện nay, cứ ai xin được đất thì thả phanh xây dựng. Ùn tắc những ngày qua đang bộc lộ rõ trình độ quản lý và thực hiện quy hoạch tại Hà Nội rất hạn chế.
Về tình trạng ùn tắc giao thông những ngày gần đây, ông Thắng cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 25 công trình với 43 điểm rào chắn đang thi công trên đường, nhiều công trình thi công chậm, kéo dài, không đảm bảo về điều kiện an toàn. Biển báo, rào chắn, và tình trạng thi công chậm đã gây cản trở giao thông, trong đó phải kể đến những dự án: Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Hà Đông; đường vành đai 2 (Bưởi - Trường Chinh); dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, gói thi công trên đường Định Công, Đức Giang; dự án đường vành đai I, đoạn Đông Mác đến Kim Ngưu…
Cũng theo ông Thắng, lượng phương tiện hiện có đang vượt quá thiết kế của mặt đường. Chỉ tính xe cá nhân hiện thành phố đã có trên 5,5 triệu ô tô, xe máy, trong khi mỗi tháng tăng trung bình thêm 19 nghìn xe đăng ký mới. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, hằng ngày lượt người vi phạm vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe còn phổ biến. Đây là những nguyên nhân trực tiếp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Quy hoạch kiểu thả phanh
Các chuyên gia cho rằng, ùn tắc tại Hà Nội bộc lộ nhiều bất cập về công tác quản lý, thực hiện quy hoạch. “Dân cư nội đô đông thì phải giãn ra bên ngoài. Đường tắc thì phải khống chế phương tiện cá nhân tăng phương tiện công cộng. Hà Nội sau 30 năm đổi mới, tốc độ phát triển nhanh nhưng hiện tất cả phương tiện tham gia giao thông đều đi trên mặt đất. Như vậy thì không hạ tầng nào có thể đáp ứng được” GS-TS Nguyễn Lân, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam phân tích.
KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nêu rõ tại quy hoạch chung, Chính phủ yêu cầu, không cấp phép xây nhà cao tầng trong khu vực nội đô. “Vậy nhưng hai ba năm nay các khu đô thị, trung tâm thương mại cao tầng vẫn mọc lên tại các nút giao quan trọng”, ông Hanh nhận xét.
Cũng theo ông Hanh, số lượng sinh viên tại trung tâm Hà Nội từ nay đến năm 2020 là khoảng 30 vạn, nhưng nay đã tăng lên 66 vạn (vượt hơn gấp đôi quy định). Dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu người (đa số là nhập cư và chưa tính dân số vãng lai). Dự kiến, đến năm 2020 dân số Hà Nội từ 7 triệu sẽ tăng lên trên 8 triệu, sẽ là trở ngại khủng khiếp với hạ tầng chung.
Người dân “chôn chân” trên đường
Cơn mưa tầm tã bắt đầu từ sáng sớm ngày 8/9 khiến nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài. Hàng vạn người dân Thủ đô Hà Nội phải “chôn chân” dưới mưa trên đường trong giờ đi làm, đi học… Dòng phương tiện phải lưu thông rất chậm trên một số tuyến phố: Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Tôn Đức Thắng, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Kim Mã... Tình trạng này lại xảy ra đúng giờ cao điểm khi người dân đi học, đi làm… nên ùn tắc trên những cung đường nói trên càng trở nên nghiêm trọng.
Theo Công ty thoát nước Hà Nội, lượng mưa lớn, dồn dập (40mm/30phút), nhiều vị trí xảy ra úng ngập với mức độ 0,1 - 0,2m.
Tú Anh