Một lính Ukraine vác tên lửa Javelin trong lúc tập trận. (Ảnh: Reuters) |
Theo danh sách này, Ukraine cho biết mỗi ngày họ cần 500 tên lửa chống máy bay Stinger và 500 tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất.
Danh sách mới được gửi đến Mỹ khi Ukraine nói rằng họ có nguy cơ thiếu vũ khí khi cuộc xung đột với Nga chưa biết khi nào mới kết thúc. Các quan chức Mỹ và NATO nhấn mạnh rằng họ đã gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tính đến ngày 7/3, tức chưa đầy 2 tuần sau khi xung đột nổ ra, Mỹ và các nước NATO khác đã gửi 17.000 tên lửa chống tăng và 2.000 tên lửa chống máy bay cho Ukraine.
Từ thời điểm đó, các nước NATO, bao gồm Mỹ, vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine, dù Nga tuyên bố có thể tấn công những chuyến hàng đó.
Một lô trong gói hỗ trợ trị giá 350 triệu USD mà Mỹ thông qua từ cuối tháng 2 đã được đưa đến Ukraine trong mấy ngày qua, trong khi 2 lô tiếp theo trị giá 1 tỷ USD đã bắt đầu lên đường, một quan chức Mỹ cho biết.
Ngày 23/3, Anh thông báo sẽ chuyển thêm 6.000 tên lửa cho Ukraine, cùng với gói hỗ trợ tài chính 33 triệu USD cho quân đội Ukraine.
Trong khi đó, thông tin được đăng trên các tài khoản mạng xã hội chính thức của chính phủ Ukraine nói rằng giao tranh ác liệt đang xảy ra ở nhiều hướng xung quanh thủ đô Kiev.
Quân Ukraine có vẻ đã giành lập vùng đất phía đông thủ đô từ tay Nga.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 24/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh này sẽ không đưa quân đến Ukraine vì điều đó sẽ dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện với Nga. Ông cũng nói rằng NATO không nên để cuộc xung đột ở Ukraine leo thang hơn nữa.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Brussels rằng Pháp đang “gia tăng” nỗ lực ngăn ngừa leo thang ở Ukraine, đồng thời loại bỏ khả năng đưa binh lính đến can dự trực tiếp, Reuters đưa tin.