Một chiếc MiG-29 của Không quân Ukraine. (Ảnh: AP) |
Quan chức này không nói cụ thể quốc gia nào đã cung cấp phụ tùng máy bay cho Ukraine, nhưng cho biết Mỹ và các nước khác đang làm việc để giúp Ukraine “có được những phụ tùng họ cần cho máy bay hoạt động”.
Số linh kiện này giúp Ukraine tăng số lượng máy bay quân sự có thể vận hành trong bối cảnh chiến trường miền đông và nam đang diễn ra ác liệt.
Trước đó, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng Ukraine đã nhận thêm máy bay chiến đấu để bổ sung cho lực lượng hiện tại.
Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ phủ nhận, nói rằng Ukraine không nhận thêm máy bay mà chỉ nhận linh kiện để lắp vào các máy bay đã có sẵn.
Quan chức này cũng cho biết ít nhất 1 quốc gia đang cân nhắc gửi máy bay cho Ukraine. Chưa biết quốc gia nào đưa ra đề xuất này.
Mỹ đã cam kết gửi cho Ukraine 16 trực thăng Mi-17, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden từ chối tham gia vào việc chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 từ một quốc gia thứ ba cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần đề nghị các quốc gia chuyển cho họ dòng máy bay MiG-29 Fulcrum từ thời Liên Xô mà phi công Ukraine đã quen thao tác.
Ông Zelensky cũng đề nghị các nước Đông Âu có khung máy bay thế hệ thứ tư viện trợ cho Ukraine, nhưng không quốc gia nào đồng ý làm điều đó.
Ngày 20/4, tài khoản chính thức của Không quân Ukraine thông báo: “Ukraine không nhận được máy bay mới nào từ các đối tác. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, chúng tôi nhận được linh kiện và phụ tùng để sửa chữa những máy bay hiện có”.
Bất chấp các đợt tấn công bằng pháo và tên lửa của Nga, lực lượng của không quân Ukraine gần như vẫn nguyên vẹn, dù cũng bị một số thiệt hại.
Đầu tháng 3 vừa qua, một quan chức quốc phòng Ukraine cho biết nước này có 56 máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, Ukraine không sử dụng nhiều, chỉ thực hiện 5-10 chuyến mỗi ngày.
Ngày 20/4, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ sẽ sớm công bố gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine.
Bà nói rằng việc Nga phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới sẽ không thay đổi chính sách của Nhà Trắng về việc viện trợ cho Ukraine. Bà cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh và quân sự cho Kiev.
Na Uy gửi 100 tên lửa
Ngày 20/4, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram cho biết nước này đã gửi hệ thống phòng không Mistral cho Ukraine. Ông khẳng định hệ thống này hoạt động rất hiệu quả và sẽ “mang lại lợi ích lớn cho Ukraine”.
Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết nước này sẽ gửi cho Kiev khoảng 100 tên lửa Mistral và một vài bệ phóng.
Ông Gram cho biết hệ thống Mistral đã bị quân đội Na Uy loại bỏ dần, “nhưng vẫn còn hiện đại và hiệu quả nên sẽ mang lại lợi ích lớn cho Ukraine”
Na Uy trước đây đã gửi tổng số 4.000 tên lửa chống tăng, một số thiết bị quân sự và nhiều phương tiện bảo vệ cho Ukraine, Bộ Quốc phòng cho biết.