Ukraine khẩn thiết kêu gọi gửi xe bọc thép, Đức chùn bước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc phản công của Ukraine hiện nay phụ thuộc nhiều vào Đức và sự sẵn sàng cung cấp các xe bọc thép, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymir Zelensky phát biểu ngày 13/9.
Ukraine khẩn thiết kêu gọi gửi xe bọc thép, Đức chùn bước ảnh 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngồi trên một khẩu pháo phòng không hồi tháng 8. (Ảnh: EPA-EFE)

Tuy nhiên, Đức đang chùn bước, khiến Kiev cực kỳ thất vọng. Điều này gợi nhớ lại những ngày đầu của cuộc xung đột, khi Berlin chỉ tặng mũ bảo hiểm dù Ukraine khẩn thiết kêu gọi viện trợ vũ khí hạng nặng.

“Đức cần hiểu rằng thời điểm chấm dứt cuộc chiến phụ thuộc vào quan điểm của họ”, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky, nói với báo Washington Post trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 13/9.

Chiến dịch phản công của Nga vào vùng Đông Bắc Kharkiv đã buộc Nga phải rút quân. Kiev hy vọng đây có thể là bước ngoặt khi cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 tháng.

Kiev tin rằng những xe hạng nặng, bao gồm xe tăng chiến đấu và xe chở binh lính, có thể giúp biến bước ngoặt thành chiến thắng. Giới chức Ukraine thúc giục các đối tác phương Tây cung cấp vũ khí cho họ ngay lập tức.

“Chúng tôi nhận được phương tiện từ Đức càng nhanh thì Berlin càng nhanh đoạn tuyệt cảm giác gần gũi với Nga”, ông Podolyak nói, đồng thời cho biết Ukraine đề xuất Đức cung cấp xe bọc thép chở quân và xe tăng để hỗ trợ lực lượng trên chiến trường.

Tuy nhiên, Đức đến nay vẫn chưa sẵn sàng chấp thuận đề nghị đó. Chính phủ Đức không phản hồi đề nghị bình luận về thông tin này, nhưng nhấn mạnh tiếp tục phối hợp với các đồng minh.

“Đến nay vẫn chưa quốc gia nào cung cấp xe chiến đấu bộ binh hay xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây chế tạo. Chúng tôi đồng ý với các đối tác rằng Đức sẽ không đơn phương thực hiện hành động đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht phát biểu tại một sự kiện ở Berlin trong tuần qua.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Yair Lapid ngày 12/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz liệt kê những vũ khí mà Đức đã cung cấp, khẳng định số vũ khí này đóng vai trò quan trọng trong thành công của chiến dịch phản công.

Chưa quốc gia nào cung cấp xe tăng cho Ukraine, ngoại trừ những mẫu cũ như M113, loại xe chở quân được Mỹ sử dụng lần đầu tiên từ những năm 1960. Đan Mạch cung cấp 54 chiếc M113 được nâng cấp ở Đức rồi gửi sang Ukraine, Bộ Quốc phòng Đức cho biết.

Ba Lan và CH Séc đã gửi vài trăm xe tăng T-72 thời Liên Xô cho Ukraine, trong khi Đức hứa sẽ cung cấp linh kiện thay thế.

Ngày 12/9, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên khẳng định người Ukraine thể hiện trong chiến dịch phản công rằng họ “khá hiệu quả” trong sử dụng các loại xe bọc thép.

“Rõ ràng năng lực đó rất quan trọng”, vị quan chức nói, đồng thời cho biết Mỹ “không có kế hoạch cụ thể vào thời điểm này”.

Ngay từ những ngày đầu xung đột mới nổ ra, Đức đã bị chỉ trích là cố tình trì hoãn việc chuyển vũ khí cho Kiev. Ban đầu, khi Nga dồn quân đến gần biên giới Ukraine, Berlin nói rằng lịch sử chiến tranh thế giới không giống ai khiến họ không thể gửi vũ khí.

Trước sức ép dư luận, đến tháng 4, Berlin thông báo chấp thuận cung cấp pháo phòng không tự hành do Đức sản xuất cho Ukraine, đến nay đã gửi 24 khẩu, nhưng vẫn không đồng ý gửi xe tăng, trong đó có loại Leopard 2.

Theo báo chí Đức, hãng sản xuất phương tiện này đã có 100 chiếc sẵn sàng bàn giao.

Trong chuyến thăm Kiev cuối tuần qua, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định Berlin “đứng về phía Ukraine 150%”.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, bà Baerbock không cam kết cung cấp các phương tiện mà Kiev đề xuất. “Khi tình hình trên thực địa thay đổi, chúng tôi đang kiểm tra lại sự ủng hộ của mình và sẽ thảo luận những bước đi tiếp theo”, bà nói.

Trong cuộc trả lời đài truyền hình Đức ZDF ngày 12/9, Đại sứ Mỹ tại Đức Amy Gutmann nói rằng bà hoan nghênh những nỗ lực của Berlin trong ủng hộ Ukraine, nhưng “kỳ vọng của tôi cao hơn thế”.

Trả lời phỏng vấn Der Spiegel gần đây, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ trích chính sách năng lượng của Đức và cho rằng “sự lưỡng lự, không hành động của Berlin đặt ra câu hỏi về giá trị của quan hệ liên minh với Đức”.

“Tôi không phải người duy nhất nói điều đó. Tôi cũng nghe từ một số người đứng đầu chính phủ châu Âu về điều đó”, ông Morawiecki nói.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu chiến dịch phản công gần đây nhất của Ukraine có thay đổi tính toán của Berlin hay không.

“Tôi hiểu vẫn còn một số suy nghĩ bảo thủ, một số sợ hãi, một số tiếc nuối về những cơ hội đã bị bỏ lỡ trong mảng năng lượng với Nga. Chúng tôi hiểu những điều này, nhưng không thể quay lại như trước. Và bây giờ, suy nghĩ của tôi là thời điểm quan trọng với Đức đã đến. Họ cần thể hiện quan điểm thực sự của mình, quan điểm của một nhà lãnh đạo châu Âu”, Cố vấn của tổng thống Ukraine Podolyak nói.

Theo Washington Post
MỚI - NÓNG