Một chiếc UAV Lancet của Nga. (Ảnh: BQP Ukraine) |
Máy bay không người lái (UAV) Lancet, phương tiện màu xám góc cạnh với 2 cánh kép, trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với các lực lượng Ukraine ở tiền tuyến trong những tháng gần đây, binh lính Ukraine cho biết.
Một số video được đưa lên các kênh mạng xã hội ủng hộ Nga trong tháng vừa qua cho thấy, Lancet làm hư hại hoặc phá hủy những thiết bị có giá trị cao của Ukraine mà phương Tây tài trợ, như xe tăng Leopard 2 và lựu pháo tự hành Caesar. Binh lính Ukraine thuộc các lực lượng khác nhau cho biết Lancet là một trong những mối đe dọa chính mà họ đang phải đối mặt trên chiến trường.
Nhiều binh lính cho biết, tần suất Nga sử dụng loại UAV này gia tăng trong những tháng gần đây.
“Trước đó, đợt mùa xuân, họ không dùng Lancet thường xuyên như bây giờ”, Bohdan, một lính vận hành pháo binh, nói với Reuters khi đang làm nhiệm vụ gần thành phố Avdiivka thuộc chiến trường Donetsk.
Samuel Bendett, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ mới, nói rằng Bộ Quốc phòng Nga đang thúc đẩy sản xuất Lancet vì đây là cách rẻ tiền để tấn công những khí tài đắt tiền mà Ukraine được phương Tây cung cấp cho chiến dịch phản công.
Theo Bendett, thông tin trên các nguồn thông tin mở ở Nga cho thấy mỗi chiếc Lancet chỉ tốn khoảng 3 triệu rúp (35.000 USD).
Trong khi đó, mỗi tên lửa S-300 của Nga có giá ít nhất vài trăm ngàn đô la Mỹ. Mỗi xe tăng Leopard 2 có giá hàng triệu đô la Mỹ.
Ukraine cũng đẩy mạnh chế tạo UAV để tấn công các mục tiêu Nga.
Lancet có thể mang theo thuốc nổ để tấn công mục tiêu hoặc “lảng vảng” rồi tự đâm vào mục tiêu.
Bendett nói rằng những bình luận viên ủng hộ Nga không vui khi có rất nhiều video mà Ukraine đăng tải cho thấy họ tấn công bằng UAV thành công, vì thế ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay cũng muốn tạo lợi thế hơn đối phương.
Bendett nhận định, Nga có vẻ áp dụng chiến thuật Ukraine từng dùng, như dụ các mục tiêu có giá trị cao đến vị trí lộ hơn rồi mới tấn công bằng UAV “lảng vảng”.
Yuriy Sak, một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, thừa nhận rằng việc Nga tăng cường sử dụng Lancet gây khó khăn cho Kiev.
“Ngày nào chúng tôi cũng bắn rơi ít nhất 1 hoặc 2 chiếc Lancet…nhưng không đạt tỷ lệ 100%”, ông cho biết.
Theo cố vấn này, Lancet mang theo lượng thuốc nổ nhỏ, dao động từ 1,5-5kg.
Dù không có sức công phá lớn như đạn pháo hay tên lửa, Lancet có thể gây tổn thất đáng kể.
Lancet được phi công điều khiển theo thời gian thực. Đặc điểm này khác với dòng Shahed-136 do Iran sản xuất. Shahed-136 bay tới đích được lập trình sẵn và người điều khiển không thể thao tác khi chúng đang bay trên không.
Bendett cho biết, mẫu mới nhất là Lancet 3 có tầm bay lên đến 50km, nghĩa là chúng có thể tấn công những mục tiêu nằm sâu sau tiền tuyến hơn bất kỳ dòng UAV cảm tử nào của Nga hay Shahed.
Đặc điểm lợi hại
Khả năng lảng vảng rồi đuổi theo mục tiêu giúp Lancet trở thành mối đe dọa lớn đối với những khí tài giá trị cao như xe tăng, lựu pháo tự hành và hệ thống phóng tên lửa.
Một trong những phương tiện của Ukraine dễ gặp rủi ro nhất là BM-21 Grad, loại bệ phóng đặt trên xe tải từ thời Liên Xô, có thể phóng đồng loạt 40 rốc-két trên bề rộng.
Năng lực này khiến nó trở thành mục tiêu ưu tiên của Lancet. Một video được các kênh mạng xã hội ủng hộ Nga đăng lên tuần trước cho thấy một hệ thống Grad bị Lancet lao trúng.
Voron, thành viên một đội vận hành bệ phóng Grad gần Avdiivka, nhớ lại lần hệ thống của đội anh ta suýt bị Lancet lao vào hồi đầu tháng 5.
Sau khi bắn vào một mục tiêu Nga, Voron kể rằng hệ thống Grad ngay lập tức trở thành mục tiêu của tên lửa S-300 của Nga, nhưng tên lửa đã bắn lệch khoảng 150m. Tuy nhiên, sau đó một chiếc Lancet xuất hiện trên bầu trời và đuổi theo hệ thống rốc-két của Ukraine.