Trao đổi tại hội nghị về vấn đề thu thuế các hoạt động kinh doanh qua mạng, ông Mai Sơn cho biết, để làm được việc này, phải xác định được đối tượng, xác định doanh thu và có hướng xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
“Đề án này chúng tôi rất thận trọng. Trước tiên phải phổ biến kiến thức pháp luật về việc kê khai như thế nào, miễn trừ thuế ra sao. Họ phải nộp bao nhiêu phần trăm doanh số và bao nhiêu phần trăm thu nhập cá nhân, ngưỡng thu nhập trên 100 triệu/năm phải nộp như thế nào. Việc kê khai như thế nào, ai sẽ hỗ trợ chính sách...Sau khi phổ biến hướng dẫn như vậy thì chúng tôi gửi tin nhắn tới các địa chỉ này để cho họ tự giác”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, thời hạn cho người kinh doanh qua mạng là sau 1 – 3 lần nhắn tin. Cục Thuế cũng sẽ phối hợp với sở Công thương, các nhà mạng để quản lý qua công nghệ thông tin, các giao dịch sẽ được cơ quan thuế kiểm tra, xác minh kể cả trường hợp thanh toán trực tiếp, thanh toán qua hình thức khác.
“Trong quá trình thực hiện sẽ có khó khăn vướng mắc do tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng với sự tự giác của người kinh doanh thì sẽ thực hiện được, đồng thời sẽ chuẩn bị các chế tài để xử lý nhưng trước hết rất mong sự đồng hành, ý thức chấp hành của họ”, ông Sơn cho biết.
Liên quan đến lĩnh vực vận tải, cụ thể là hai trường hợp của Uber và Grab, ông Sơn cho biết hai doanh nghiệp này đóng trên địa bàn TP HCM, vì thế họ nộp thuế tại nơi có trụ sở chính, tuy nhiên, về chính sách thuế đã có quy định rất cụ thể.
“Họ kinh doanh bằng công nghệ, họ khấu trừ doanh số mà người lái xe nhận được theo tỷ lệ. Phần mà họ hưởng thì họ phải nộp thuế đầy đủ theo quy định”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, Cục Thuế đang hướng dẫn các doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.
“Đó là những giải pháp của cơ quan thuế, còn chúng tôi không có chức năng bàn chuyện loại hình vận chuyển này được ủng hộ hay không. Nhưng đã có kinh doanh, đã thu tiền là phải có nghĩa vụ đầy đủ với cơ quan thuế.
Chúng tôi khẳng định là sẽ quản lý chặt chẽ và đảm bảo việc thu đúng, thu đủ không để thất thoát. Tôi mong rằng trong quá trình quản lý, nếu có sơ hở gì mà báo chí phát hiện thì báo lại để có tiếp thu, chỉnh sửa chính sách”, ông Sơn nói thêm.
Liên quan đến thông tin Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên và một Cty khác của đại gia Lê Thanh Thản – chủ đầu tư nhiều dự án ở Hà Nội đang bị điều tra về việc trốn thuế, ông Mai Sơn cho rằng, hai doanh nghiệp này đã được Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Xây dựng kiểm tra, thanh tra. Chính vì vậy, để tránh chồng chéo, Cục thuế Hà Nội chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại hai đơn vị này.
Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với cơ quan công an, Thanh tra Chính phủ, cung cấp các hồ sơ liên quan. Ông Sơn cũng cho hay, các doanh nghiệp do ông Thản làm đại diện kê khai thuế và chủ yếu đóng thuế tại địa bàn Điện Biên, chỉ nộp thuế vãng lai tại Hà Nội. “Vụ việc liên quan đến ông Lê Thanh Thản đang trong quá trình điều tra, nên theo quy định, khi nào có kết luận cơ quan điều tra sẽ công bố kết quả”, ông Sơn cho biết.