Những ngày đầu năm Ất Mùi 2015, một thông tin khiến nhiều người bất ngờ: Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, người được xem là giàu nhất nước trên sàn chứng khoán cũng muốn đi trồng rau. Trong cuộc gặp gỡ tháng Giêng giữa đoàn lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Ninh mới đây với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, một kế sách thu hút đầu tư, hiện đại hóa NN tỉnh này đã được đặt ra.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh rất quyết tâm tái cơ cấu ngành NN, với mục tiêu chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào NN. Quảng Ninh đã dành hơn 100 ha đầu tư hạ tầng Khu NN công nghệ cao ở Đông Triều. Cùng đó, Quảng Ninh cũng “trải thảm” với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư đến vùng “đất Mỏ” để “làm nông”. Một trong số những nhà đầu tư “hạng nặng” muốn “dạm ngõ” sớm với Quảng Ninh, chính là tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng.
“Việt Nam gần như là dân số vàng, thị trường tiêu thụ vừa qua ngưỡng nghèo, nhu cầu về sữa, thực phẩm, cà phê, đường… tăng lên nhanh chóng. Những DN thành công nhất Việt Nam hiện nay đều nằm trong lĩnh vực NN”.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình
Đáp lời, Vingroup cho biết sẽ gia nhập lĩnh vực NN với thương hiệu VinEco (Cty có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng). VinEco sẽ triển khai các hoạt động NN tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó, bước đầu tập trung vào mảng sản xuất rau củ quả, theo mô hình tập trung và khép kín. Tất cả các khâu từ nghiên cứu, giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển… đều được thực hiện theo quy trình khoa học, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, đầu ra cho nông sản VinEco sẽ được đảm bảo chắc chắn bởi hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ đang được “phủ sóng” toàn quốc.
Dự kiến, VinEco sẽ làm việc với các đối tác từ các nền NN nổi tiếng thế giới như Israel, Nhật Bản, Hà Lan… để nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cả nước cũng tỏ ra hào hứng và hoan nghênh Vingroup đã “se duyên” với NN, đặc biệt NN công nghệ cao - một trong những “mục tiêu chiến lược” của đề án tái cơ cấu ngành NN Việt Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Không có DN, nền NN không thể cất cánh được. Do vậy, mấu chốt đổi mới là tạo điều kiện cho DN đầu tư vào lĩnh vực này nhiều hơn”.
Trồng rau bằng… bàn phím
Cuối năm ngoái, Tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) FPT đã hợp tác với tập đoàn Fujitsu -Tập đoàn CNTT hàng đầu Nhật Bản triển khai dịch vụ Akisai Cloud (hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý NN trên nền công nghệ điện toán đám mây) của Fujitsu tại Việt Nam trong thời gian một năm (2015 - 2016).
Dự kiến, Fujitsu sẽ thiết lập nhà kính tại Hà Nội và TPHCM và thử nghiệm ứng dụng Akisai trên một loại cây trồng phù hợp. Công nghệ này sẽ tối ưu hóa quá trình canh tác theo từng loại giống cây trồng, địa điểm canh tác..., giúp ổn định năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm; đặc biệt, không phụ thuộc nhiều vào tác động trực tiếp của người nông dân.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tiết lộ: “Đứng sau Fujitsu là các DN của Nhật Bản, còn sau FPT là nhiều DN Việt Nam mong muốn đầu tư vào NN. NN Việt Nam đang có cơ hội chưa từng có, và có thể đi vượt thời đại. Kể ra cũng hơi mơ màng, nhưng nghĩ sâu, cũng có cái lý của nó”.
Chủ tịch FPT chia sẻ: “Ở Nhật Bản, nông dân trung bình là 66 tuổi. Các cường quốc, chỉ khoảng 1-2% lực lượng đi làm NN mà thôi. Con cái của họ thích đi làm tài chính…, cho vàng nó cũng không về làm NN. Vì thế, trong những cuộc đàm phán về hiệp định thương mại, những nước như Mỹ, Nhật, EU… họ bảo vệ NN rất ghê. Còn ở ta, làm NN là truyền thống. Nếu cần, tôi có thể đi tát nước, giã gạo vẫn làm tốt. Cái này ăn vào máu rồi”.
Theo ông Bình, ba vấn đề mấu chốt nói về NN hiện đại là công nghệ, quy mô và nhân lực. Công nghệ phải hàng đầu, quy mô phải lớn và đào tạo nhân lực. Với sự kết hợp giữa hai tập đoàn CNTT hàng đầu Nhật Bản và Việt Nam, kỳ vọng một nền NN thông minh, hiện đại sẽ hiện thực hóa trong tương lai gần. Người dân sẽ được xem “trồng rau bằng bàn phím” và nó không còn là điều “mơ màng” nữa.