Tỷ lệ tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp xã thấp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh băn khoăn về tỷ lệ tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp xã rất thấp. Theo bà Thanh, điều này rất “vô lý” bởi đây là cấp gần dân, sát dân nhất, những vấn đề xảy ra tại địa phương thì người đứng đầu phải biết đầu tiên.
Tỷ lệ tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp xã thấp ảnh 1

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Ngày 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

Một trong những hạn chế được đoàn giám sát chỉ ra là việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Trong đó, tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 37,61%, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 56%, Chủ tịch UBND cấp huyện đạt 90%, Chủ tịch UBND cấp xã đạt 49% so với quy định.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, đây là công việc rất khó, phức tạp, liên quan đến tổ chức, cán bộ. Tuy nhiên, bà Thanh cũng băn khoăn về tỷ lệ tiếp công dân của các bộ, UBND các cấp theo quy định còn thấp, thậm chí có 4 tỉnh chưa có báo cáo tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng trong phần kiến nghị đề xuất chưa có “sức nặng” về vấn đề này.

“Ở đây chúng ta mới phản ánh, còn nhận xét, đánh giá, ghi nhận của đoàn giám sát về các đơn vị, địa phương làm tốt cũng như chưa tốt cũng không được rõ ràng”, bà Thanh cũng băn khoăn, khi việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp xã rất thấp. Điều này rất “vô lý” bởi đây là cấp gần dân, sát dân nhất, những vấn đề xảy ra tại địa phương thì người đứng đầu phải biết đầu tiên.

“Có thể người dân đến nhiều lần nhưng thấy Chủ tịch UBND cấp xã không giải quyết được vấn đề nên bỏ qua cấp này để đến thẳng cấp tỉnh. Cần làm rõ nguyên nhân việc Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân đạt tỷ lệ thấp để có giải pháp”, bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Đại diện đoàn giám sát, Trưởng Ban dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, thực tế vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp. “Cá biệt có địa phương bố trí cán bộ kém năng lực, sắp nghỉ chế độ, cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân”, ông Bình nêu.

Trong số nhiều nguyên nhân được đoàn giám sát chỉ rõ là trách nhiệm tiếp công dân của một số cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa cao, còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, ngại tiếp dân.

Tỷ lệ tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp xã thấp ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Cán bộ lãnh đạo phải thật sự tâm huyết, cầu thị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định: "Nếu ở cấp dưới làm tốt việc tiếp công dân, thì cấp trên sẽ đỡ, nếu không "cái nọ sẽ đẻ ra cái kia", rất phức tạp". Ông Định cũng cho rằng tình trạng ngại tiếp công dân, né tránh là có.

Từ thực tế làm lãnh đạo địa phương, ông Định cũng hết sức chia sẻ vì đây là công việc rất khó, rất đụng chạm.

“Cần phải thật sự tâm huyết, chuẩn bị rất kỹ và phải thực sự cầu thị. Nếu cấp dưới cứ trình lên, nói theo luật nọ, luật kia đúng rồi mà không ngồi họp với nhau, cứ tin cấp dưới thì không giải quyết được”, ông Định cho hay.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, dù nhận thức và sự quan tâm đến vấn đề này có sự chuyển động, nhưng kết quả vẫn chưa mấy khởi sắc, thậm chí còn nan giải, phức tạp. Vì sao người dân ở địa phương lại khiếu nại, tố cáo vượt cấp như vậy? Ông Mẫn cho rằng, nơi nào cấp uỷ quan tâm, nơi đó tương đối yên ổn.

Theo ông Mẫn, cần phải thực hiện tốt công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, khẩu hiệu như vậy nhưng thực tế ra sao? Người dân có được bàn, được kiểm tra không?

“Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở phải được tăng cường kịp thời, giải quyết kịp thời khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở khi có vụ việc”, ông Mẫn đề xuất, khi ban hành Nghị quyết, phải nêu rõ một số vụ việc nổi cộm cần tập trung giải quyết trong thời gian tới cũng như trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp cần nêu rõ.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần chỉ rõ từng việc gì phải làm, ai làm, bao giờ phải xong, cơ chế báo cáo việc này như thế nào? Do vậy, cần kiểm đếm danh mục vụ việc, bao nhiêu vụ ở trung ương, bao nhiêu vụ ở địa phương cần tập trung giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội ví dụ, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đã thống kê 500 vụ việc nổi cộm, phức tạp, nhưng rồi cũng được giải quyết tháo gỡ dần dần.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.