> Cấp phù hiệu đi lại cho 1.000 hộ dân
Những hộ sinh sống, kinh doanh ở đây được cấp phù hiệu để có thể ung dung đi xe máy, ô tô vào nhà họ. Cứ ầm ầm xe cộ chứ không cần đi bộ.
Nghe tin này, nhiều người đã nghĩ ra những chuyện tếu đón lõng tình hình. Một chị phi xe máy ầm ầm trên tuyến phố đi bộ. Trật tự phường giữ lại. Chị ưỡn ngực ra: “Không thấy à?”. Trật tự phường nói: “Không thấy”. Chị nâng cái phù hiệu trước ngực lên: “Ngực xương xương nhưng đường đường dân phố cổ”. Nghe vui như nghe thành ngữ tuổi teen. Cái phù hiệu ấy chắc hẳn sẽ làm thêm oai thêm oách cho những cô cậu xưa nay tự hào ta đây người Hà Nội một, oai như thẻ Hội Nhà văn.
Hà Nội đang vận động giãn dân phố cổ. Tỷ lệ người muốn chuyển đi nghe nói rất thấp, vì sống ở phố cổ dù khổ nhưng một quầy bật lửa ba mét vuông mặt tiền có thể nuôi sống cả gia đình. Chuyển sang khu Việt Hưng, họ chẳng có nghề gì mà kiếm sống. Cái từ “vận động” đương nhiên là dành cho những người có ý thức tự giác, không phải pháp lệnh. Bây giờ, lại cấp phù hiệu để dân phố cổ đi lại trên những tuyến phố mà người khác phải đi bộ. Không dấu hiệu nào cho thấy sự quyết liệt, triệt để, dám nghĩ dám làm. Cứ nửa vời làm sao ấy.
Thành phố cần thêm những tuyến đi bộ để làm du lịch. Dân phố cổ cũng cần những người bộ hành. Đi bộ thì mới thênh thang ngắm nghía mua sắm được. Đi bộ mới giải thoát những hàng xe nối dài tắc nghẽn án ngữ mặt tiền hàng quán của họ. Không nghi ngờ gì, tuyến phố đi bộ sẽ làm lợi cho dân phố cổ. Được cái lợi đó, thì “hy sinh” dắt xe trên tuyến phố đi bộ, hoặc gửi ô tô ngoài đường vành đai Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật một chút đã làm sao.
Ở phố cổ Hội An, những hộ kinh doanh trong khu di sản cũng không có cái phù hiệu đặc quyền này. Từ lâu, tiếng động cơ chỉ vang lên vài giờ mỗi ngày ở Hội An. Chỉ có tiếng nhạc vang lên trong mỗi nhà hàng, mỗi quầy lụa. Tiếng nhạc nâng bước chân bộ hành và níu giữ chân du khách.
Nhưng ở Thủ đô thì không, dân phố cổ được nổ máy đi giữa dòng người đi bộ. Họ được đeo phù hiệu, thật tuyệt diệu!