Sáng sớm, anh Nguyễn Văn Hiệp (trú ở bản Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) mang theo “đồ nghề” gồm chiếc túi đựng, con dao và chiếc bật lửa rong ruổi trên những cánh đồng, đồi cây săn ong vàng. |
Anh Hiệp cho biết, mùa săn ong vàng bắt đầu từ cuối tháng 6 đầu tháng 7 dương lịch. Đây là thời điểm tổ ong to và nhiều nhộng ong. Đặc tính loài ong vàng là làm tổ ở bụi rậm, có khi còn làm nhiều tổ cách nhau vài ba mét. |
Người đi săn ong dùng một cái cây dài đập vào bụi cỏ, lùm cây nơi nào có ong chúng sẽ ùa ra ngay lập tức. Khi phát hiện tổ chỉ cần lấy lá, cành cây khô để đốt tạo khói huơ xung quanh tổ xua ong lính rồi hái tổ ong. |
“Để biết được tổ ong nằm ở phía nào, người thợ sẽ ngồi ở các vũng nước theo dõi ong thợ lấy nước. Mùa nắng nóng, ong thợ lấy nước rất nhiều và liên tục. Chỉ cần ngồi theo dõi hướng bay của chúng dễ dàng tìm được vị trí làm tổ. Trung bình mỗi ngày tôi tìm được nhiều hơn 30 – 50 tổ ong vàng”, anh Hiệp chia sẻ. |
Thao tác thuần thục, chỉ cần ít phút, anh Hiệp đã lấy được một tổ ong. Những tổ ở nơi quá rậm, anh phải dùng dao phát quang nên sẽ mất thời gian hơn. |
“Tính ra một mùa vụ ong vàng cũng kiếm được gần chục triệu đồng. Chịu khó tách nhộng ong ra thì được giá cao hơn. Trung bình mỗi ngày cũng kiếm được từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tiền bán ong vàng”, anh Hiệp nói. |
Mùa ong vàng mỗi năm chỉ có một lần, trở thành đặc sản. “Khi bị ong đốt thì chỉ cần lấy một nhộng ong chà nát vào nơi bị đốt là sẽ đỡ sưng và đau ngay”, anh Hiệp nói. |
Một thương lái đến từ thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ cho biết: “Nhộng ong được các nhà hàng, quán nhậu rất ưa chuộng. Hiện giá thu mua nhộng ong vàng đã được làm sạch là 350.000 đồng/kg, mua theo tổ có giá 300.000 đồng/kg”. |
Đối với nhộng ong vàng, người dân thường đem về rang với lá chanh hoặc xào nấu với lá tía tô, xào măng chua,... Ngoài ra còn có thể chế biến thành các món như nhộng ong chiên giòn, nhộng ong trộn xoài, nhộng ong xào ngô…. |