Ngày 29/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử “đại án” thất thoát 2.000 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Tổng cộng, có 51 bị cáo bị truy tố về các tội Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong số đó, bị cáo Hứa Thị Phấn (SN 1947) – nguyên Chủ tịch Cty Phú Mỹ và là đại diện nhóm cổ đông Đại Tín tại Ngân hàng Xây Dựng vắng mặt tại tòa vì lý do sức khỏe.
Theo chủ tọa, có 645 tổ chức là đương sự trong vụ án.
Sau khi công bố bản án, chủ tọa quyết định không công bố lại nội dung cáo trạng của VKSND do nội dung quá dài và đã được đọc công khai trước đó.
Nhằm giúp Danh mua Đại Tín, tháng 11/2012, ông Thắm dùng tiền của Ocean Bank cho ông Danh vay 500 tỷ thông qua Cty Trung Dung với tài sản thế chấp của bà Phấn. Việc này vi phạm quy định của NHNN và Oceanbank, khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 343 tỷ đồng. Qua đây, các bị cáo Danh, Phấn, Thắm và Trần Văn Bình - GĐ Cty Trung Dung bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ngoài ra, từ 2008, PVN trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của Oceanbank, góp 20% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Xuân Sơn được PVN cử sang làm TGĐ Ocean Bank và gợi ý cho Hà Văn Thắm nếu muốn huy động vốn từ các đơn vị thuộc PVN phải chi lãi ngoài khoảng 1%/năm. Thắm đồng ý và đã chi hơn 1.576 tỷ ngoài hợp đồng cho các khách hàng. Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các bị cáo khác là nhân viên của Ocean Bank cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, Thắm, Sơn và các đồng phạm còn dựng lên Cty BCS để thu tiền dịch vụ từ khách hàng của Ocean Bank rồi trả lãi ngoài cho các đơn vị thuộc PVN. Qua đây, các bị cáo chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng gồm 2,2 tỷ của Oceanbank, gần 67 tỷ của khách hàng. Vì hành vi trên các bị cáo bị truy tố về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa, đại diện VKSND giữ nguyên quyết định truy tố. Đề nghị tuyên phạt các bị cáo mức án từ 18 tháng tù treo tới tử hình. Ngoài ra, có 4 bị cáo được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
VKSND đề nghị tòa buộc Hứa Thị Phấn phải trả 500 tỷ. Nhóm 34 bị cáo là lãnh đạo chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank được đề nghị không chịu trách nhiệm dân sự. VKSND cũng kiến nghị khởi tố Bùi Văn Hải – nguyên trưởng ban kiểm soát OceanBank và xử lý những đơn vị nhận tiền lãi ngoài của OceanBank.
8h40: HĐXX xác định hành vi của Hà Văn Thắm; Nguyễn Văn Hoàn – nguyên Phó TGĐ OceanBank; Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng; Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch Cty Phú Mỹ; Trần Văn Bình – nguyên Chủ tịch Cty Trung Dung đã phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, Hà Văn Thắm chịu trách nhiệm chính; Hứa Thị Phấn là người thụ hưởng số tiền 500 tỷ của OceanBank nên 2 bị cáo này cần nhận hình phạt nghiêm khắc. Với Trần Văn Bình và Nguyễn Văn Hoàn chỉ là người làm công ăn lương nên được xem xét giảm nhẹ.
8h50: HĐXX đánh giá hành vi lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 69 tỷ đồng của OceanBank và khách hàng qua Cty BSC (Cty con của Hà Văn Thắm). Trong đó, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn giữ vai trò chính.
Liên quan việc này còn có các bị cáo Nguyễn Minh Thu – nguyên TGĐ OceanBank; Phạm Hoàng Giang – nguyên TGĐ BSC; Nguyễn Văn Hoàn; Hoàng Thị Hồng Tứ - nguyên Chủ tịch Cty BSC chưa đủ căn cứ xác định Tứ đồng phạm với Thắm và Sơn.
Xét thấy, cần xử nghiêm khắc Thắm và Sơn. Các bị cáo Giang, Tứ và Giang hành vi không đáng kể, tích cực giúp CQĐT làm việc; cả 2 người có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy, cần giảm nhẹ hình phạt cho Giang, chỉ cần tuyên phạt Tứ án treo là đủ sức răn đe và giáo dục.
9h00: Về hành vi chi lãi ngoài gây thiệt hại 1.576 tỷ đồng, các bị cáo là lãnh đạo ở OceanBank đã chỉ đạo việc chi lãi ngoài trên toàn bộ hệ thống của Oceanbank. Các khách hàng chủ yếu nhận tiền thuộc nhóm dầu khí.
Các bị cáo và luật sư cho rằng việc chi lãi ngoài không gây thiệt hại, chỉ vi phạm và bị xử lý Thông tư 02 năm 2011 (đã bị loại bỏ) của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, kết luận giám định cho thấy, trong số 1.576 tỷ còn phục vụ mục đích cá nhân của lãnh đạo OceanBank. Việc chi lãi ngoài đã vượt trần lãi suất tối đa mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định (không vượt quá 14,5%/năm), vi phạm các quy định của luật kế toán; chế độ tài chính của OceanBank và các quy định khác.
Sự vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng, vượt qua việc điều chỉnh bằng các biện pháp hành chính.
Toàn bộ số tiền 1.576 tỷ được OceanBank chi trái quy định, không thu hồi được. Việc này còn tạo cạnh tranh không lành mạnh, làm tăng lạm phát ảnh hưởng tới kinh tế quốc gia, xâm phạm quyền quản lý của Nhà nước…
Theo kết quả thanh tra, kiểm toán năm 2015, nợ xấu gần 15.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần. Từ đó, OceanBank mất khả năng thanh khoản nên NHNN mua lại giá 0 đồng nhằm trấn an khách hàng và nhân dân. Việc này tăng gánh nặng cho Nhà nước và nhân dân.
Đáng chú ý, việc chi lãi ngoài cho các đơn vị dầu khí là chi cho lãnh đạo các đơn vị dầu khí, là điều kiện dẫn đến hậu quả khác.
9h05: Với Hà Văn Thắm, bị cáo ra chủ trương chi lãi ngoài huy động vốn trên toàn hệ thống. Thắm phải chịu trách nhiệm chính.
Lê Thị Thuy Thủy – nguyên Phó TGĐ phụ trách kế toán, Thủy thực hiện chi thẳng vào tài khoản trả lãi theo yêu cầu của Hà Văn Thắm. Ngoài ra, Thủy còn chỉ đạo nhân viên tính toán số tiền chi hỗ trợ kinh doanh cho các chi nhánh, phòng giao dịch. Vì vậy, Thủy là đồng phạm của Hà Văn Thắm, phải cùng chịu trách nhiệm số tiền 1.576 tỷ.
Nguyễn Minh Thu – nguyên TGĐ Oceanbank đã chi vượt trần lãi suất của NHNN nên phải liên đới hoặc trực tiếp chịu trách nhiệm hơn 700 tỷ đồng.
Với Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch PVN dù không còn công tác ở OceanBank nhưng vẫn thực hiện chi lãi ngoài thông qua Nguyễn Minh Thu nên phải liên đới chịu trách nhiệm.
9h15: Ngoài ra, HĐXX xác định các bị cáo là cán bộ Hội sở Oceanbank cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về các khoản đã chi lãi ngoài sai quy định.
Riêng Nguyễn Xuân Thắng – em họ Nguyễn Xuân Sơn đã trực tiếp chi tiền của OceanBank cho Tập đoàn Dầu khí nên cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Với nhóm 34 bị cáo là GĐ các chi nhánh, phòng giao dịch OceanBank, HĐXX xác định họ đã tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài sau đó phân công nhân viên thực hiện. Việc này vi phạm quy định của NHNN và gây thiệt hại cho OceanBank.
Các bị cáo này biết sai nhưng vẫn làm nên cũng phải chịu trách nhiệm về số tiền đã chi.
9h30: Việc làm trái, chi lãi ngoài như trên là chuỗi các mắt xích với nhau, từ trên lãnh đạo hội sở xuống từng nhân viên trên toàn hệ thống với tính chất, mức độ, hành vi và để lại hậu quả khác nhau. Tuy nhiên, các bị cáo đều nhận thức việc này trái quy định của Nhà nước.
Trong đó, Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính về hành vi này. Nguyễn Xuân Sơn là đồng phạm chính dù đã chuyển về Tập đoàn Dầu khí công tác.
Tại tòa, Thắm và Sơn không nhận tội nhưng HĐXX nhận thấy cần xử phạt 2 bị cáo này mức hình phạt nặng. Ngoài ra, một số bị cáo khác tại Hội sở Oceanbank đã nhận thức sai lầm, có hoàn cảnh khó khăn hoặc tình tiết đặc biệt sẽ được xem xét giảm nhẹ. Tuy nhiên, hậu quả các bị cáo gây ra là nghiêm trọng nên cần phải áp dụng hình phạt tù.
Với nhóm 34 bị cáo ở chi nhánh, phòng giao dịch, hành vi của các bị cáo là đồng phạm với nhóm cán bộ ở Hội sở nên phải chịu trách nhiệm hình sự. Hậu quả của các bị cáo để lại rất nặng nề nên không thể miễn trách nhiệm hình sự như đề nghị của VKSND và các luật sư.
Tuy nhiên, các bị cáo chỉ là làm công ăn lương, phải chấp hành, phục tùng lãnh đạo và không được hưởng lợi nhưng đã tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả. Thậm chí có bị cáo còn vay mượn, bán nhà để nộp tiền. Quá trình điều tra các bị cáo đã tích cực giúp đỡ cơ quan tố tụng làm rõ vụ án và thu hồi tiền. Một số bị cáo đã khắc phục hoàn toàn số thiệt hại mình gây ra.
HĐXX đánh giá cao việc này và ghi nhận đây là tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, các bị cáo đã ăn năn hối cải, tích cực khai báo và đều có nhân thân tốt, tích cực công tác làm việc. Một số bị cáo có bố mẹ, người thân có công lớn trong chiến đấu và lao động nên cũng được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.
Chủ tọa cho rằng, các bị cáo đều có tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng nên sẽ quyết định mức hình phạt dưới khung, nhẹ hơn cụ thể là áp dụng mức hình phạt là án treo.
Ngoài ra, miễn hình phạt tù cho một số bị cáo cũng không ảnh hưởng tới xã hội nên sẽ áp dụng thêm biện pháp cải tạo không giam giữ với một số bị cáo.
9h50: Về hành vi chiếm đoạt 197 tỷ và tham ô 49 tỷ đồng, HĐXX cho rằng năm 2008, PVN đã đồng ý góp 20% vốn vào OceanBank và cử người sang nằm trong HĐQT, ban giám đốc và ban kiểm soát của ngân hàng. Tiền góp vốn được rút từ tài khoản có kỳ hạn của PVN tại Oceanbank. Tổng cộng, PVN đã 3 lần gửi tiền sang OceanBank tương ứng với 3 lần tăng vốn điều lệ của ngân hàng nhằm luôn đảm bảo tỉ lệ sở hữu 20%.
Nguyễn Xuân Sơn từng gửi văn bản cho HĐTV của PVN để báo cáo công việc và đề nghị có biện pháp nhằm đảm bảo luôn nắm 20% vốn của OceanBank. Bị can Ninh Văn Quỳnh – nguyên Phó TGĐ PVN báo cáo lại bị cáo Sơn việc tiền để tăng vốn điều lệ sẽ lấy từ tiền chia cổ tức. Các thành viên HĐTV của PVN có 2 người không có ý kiến về việc tăng vốn điều lệ của tập đoàn tại OceanBank.
Ngoài ra, khi Sơn về PVN công tác và không còn là người đại diện phần vốn góp đã giới thiệu Nguyễn Minh Thu làm TGĐ OceanBank thay mình. HĐXX nhận thấy, tất các các thành viên của PVN đều có tiền gửi rất lớn tại OceanBank. Riêng PVN thời điểm cao nhất gửi tại OceanBank hơn 30.000 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn cũng có quyền quyết định việc PVN và thành viên gửi tiền vào OceanBank. Nên trong số 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài, Sơn đã chiếm giữ một phần.
Bị cáo Sơn không nhận tội, nói đã đưa toàn bộ tiền cho Ninh Văn Quỳnh nhưng đủ căn cứ xác định Sơn đã nhận từ Hà Văn Thắm 246 tỷ đồng. Cả Thắm và Sơn đều khai số tiền này cũng là chi lãi ngoài nhưng với chức danh và ảnh hưởng của Sơn cũng như lời khai của một số bị cáo khác, Sơn cần thì Thắm phải đưa, mỗi lần 5 tỷ đồng.
HĐXX cho rằng PVN là tập đoàn 100% vốn nhà nước, góp 20% vốn vào PVN nên trong số 246 tỷ nói trên có ít nhất 49 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn phải quản lý. Vì vậy, Sơn đã phạm tội tham ô tài sản số tiền 49 tỷ đồng.
Việc Thắm đưa tiền cho Sơn là nhằm phục vụ lợi ích nhóm nên là đồng phạm với Sơn về tội danh này.
10h00: Ngoài ra, số tiền 197 tỷ còn lại đã bị Sơn chiếm đoạt. Hà Văn Thắm hiểu rõ ảnh hưởng của Sơn tới OceanBank nên vẫn chỉ đạo nhân viên chi tiền cho Sơn. Vì vậy, Thắm cũng là đồng phạm của Sơn về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ngoài khoản 20 tỷ ông Ninh Văn Quỳnh khai đã nhận, Sơn khai dùng tiền chiếm đoạt cho nhiều việc khác nhưng không chứng minh được. Hành vi của Sơn và Thắm cần được xử lý nghiêm nhất là khi tội phạm tham nhũng đang gây mất uy tín của nhân dân vào Đảng, ảnh hưởng tới tồn vong của chế độ.
Xét tính chất, hậu quả của hành vi này, HĐXX nhận thấy Sơn đã khởi xướng và trực tiếp tham ô 49 tỷ, chiếm đoạt 69 tỷ từ Cty BSC, 197 tỷ từ OceanBank nên cần nhận mức hình phạt nghiêm khắc nhất.
Với Hà Văn Thắm là đồng phạm nên chỉ cần áp dụng biện pháp hình phạt tù có thời hạn.
10h05: HĐXX cho rằng cần áp dụng hình phạt tổng hợp về nhiều tội danh với các bị cáo. Ngoài ra, với các bị cáo đã bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên trong đại án Ngân hàng Xây dựng cũng sẽ được tổng hợp với bản án tại vụ OceanBank.
Về phần dân sự, HĐXX cho rằng số tiền 69 tỷ đồng bị chiếm đoạt từ Cty BSC bằng hơn 700 hợp đồng. Buộc Nguyễn Xuân Sơn hoàn số tiền 69 tỷ đồng này để sung công quỹ Nhà nước.
Với số tiền Nguyễn Xuân Sơn chiếm hưởng từ OceanBank, HĐXX buộc Sơn phải hoàn trả số tiền này.
Với số tiền 49 tỷ là tiền Nhà nước do PVN quản lý nên Sơn cũng phải bồi thường số tiền này.
Việc Ninh Văn Quỳnh khai nhận 20 tỷ đồng từ Sơn đang được CQĐT làm rõ nên HĐXX tách phần này để xử lý sau.
Về việc chi lãi ngoài vượt trần, các bị cáo là lãnh đạo Hội sở OceanBank và các bị cáo là lãnh đạo chi nhánh, phòng giao dịch đã thực hiện là do chỉ đạo của Hà Văn Thắm. HĐXX cho rằng họ không được hưởng lợi nên không cần phải bồi thường, số tiền một số bị cáo nộp khắc phục hậu quả tòa sẽ tuyên trả lại.
Ngoài ra, số tiền Hà Văn Thắm chi được giảm trừ một số khoản như tiền đã được làm rõ.
10h15: Hà Văn Thăm phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại do chi lãi ngoài. Các bị cáo Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Xuân Sơn phải liên đới khắc phục thiệt hại.
Về khoản tiền OceanBank cho Cty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, tòa thấy Hứa Thị Phấn là người chiếm hưởng nên phải bồi thường toàn bộ số tiền này cho Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank sau mua 0 đồng).
10h30: Nguyễn Xuân Sơn khai nhận khi về PVN làm việc đã đưa khoảng 200 tỷ đồng cho ông Ninh Văn Quỳnh. Ông Quỳnh cũng thừa nhận có cầm 20 tỷ đồng của Sơn nên tòa kiến nghị CQĐT làm rõ việc này để xử lý nghiêm.
Tòa nhận thấy, OceanBank còn chi lãi ngoài cho một số lãnh đạo của các tổ chức kinh tế nhà nước như Vietsovpetro; Bình Sơn; Tổng Cty thăm dò khai thác dầu khí… Việc này cho thấy có dấu hiệu móc nối, lợi dụng tài sản chung để làm lợi túi riêng. Công an đã khởi tố 3 vụ án nên tòa kiến nghị CQĐT làm rõ những việc này nhằm thu hồi tiền cho Nhà nước.
Việc Nguyễn Xuân Sơn chưa thành khẩn khai báo chi 246 tỷ đồng cho những ai nên CQĐT cần làm rõ việc này.
Một số bị cáo khác khai ông Bùi Văn Hải – trưởng ban kiểm soát biết việc chi lãi ngoài. Tòa nhận thấy ông Hải có dấu hiệu phạm tội nên kiến nghị CQĐT vào cuộc làm rõ hành vi của ông Hải.
Kiến nghị CQĐT và VKSND tối cao xử lý ông Trần Thanh Quang – nguyên Phó TGĐ OceanBank.
Tiếp đến, HĐXX kiến nghị làm rõ những vi phạm nếu có của thanh tra NHNN khi không làm hết trách nhiệm được giao.
Về số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị thất thoát tại OceanBank đã được CQĐT khởi tố, tòa đề nghị làm rõ hành vi góp vốn này. Tiếp đến, tòa kiến nghị làm rõ trách nhiệm những người đã yêu cầu các thành viên của PVN phải gửi tiền ở OceanBank.
Về việc mua 0 đồng, các bị cáo cho rằng NHNN không thực hiện kiểm toán, không xem xét quỹ dự phòng. Thời điểm mua 0 đồng, Oceanbank vẫn còn nhiều tài sản.
Tòa thấy rằng, việc mua bán này không nằm trong luật dân sự và thực tế đã tạo gánh nặng cho Nhà nước. Việc mua như trên không đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông nên tòa kiến nghị Chính phủ xem xét lại chính sách này.
Tòa tuyên phạt:
1. Hà Văn Thắm (SN 1972, HKTT phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) – Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank): 19 năm tù tội Cố ý làm trái; 18 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tù chung thân về tội tham ô; 20 năm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tổng hợp là tù chung thân.
2. Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, HKTT quận Tây Hồ, TP Hà Nội) – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN: 17 năm tội Cố ý làm trái; tù chung thân tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tử hình về tội Tham ô; tổng hợp hình phạt là tử hình.
3 – Nguyễn Minh Thu (SN 1973, HKTT quận Ba Đình, TP Hà Nội) – Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương: 13 năm Tội cố ý làm trái; 9 năm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 22 năm tù giam.
4 – Nguyễn Văn Hoàn (SN 1977, HKTT phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – Nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương: 12 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 10 năm về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 22 năm tù giam.
5- Phạm Hoàng Giang (SN 1975, HKTT KĐT Trung Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) – Nguyên Tổng giám đốc Cty BSC Việt Nam: 4 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
6 – Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983, HKTT phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) – Nguyên Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần BSC Việt Nam: 36 tháng tù treo về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
7- Lê Thị Thu Thủy (SN 1977, HKTT phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) – Nguyên Phó TGĐ Ngân hàng Đại Dương: 6 năm tù tội Cố ý làm trái.
8- Vũ Thị Thùy Dương (SN 1980, HKTT quận Đống Đa, Hà Nội) – Nguyên Giám đốc Khối Kế toán và Giao dịch trong nước, Ngân hàng Đại Dương: 4 năm tù về tội Cố ý làm trái.
9- Nguyễn Thị Nga (SN 1980, HKTT phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) – Nguyên Kế toán trưởng Ngân hàng Đại Dương, hiện là Giám đốc khối Tài chính và Kế hoạch Ngân hàng Đại Dương: 42 tháng tù về tội Cố ý làm trái.
10- Nguyễn Hoài Nam (SN 1977, HKTT khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội)- Nguyên Giám đốc khối Nguồn vốn, Ngân hàng Đại Dương. 42 tháng tù về tội Cố ý làm trái.
11-Nguyễn Thị Thu Ba (SN 1973, HKTT phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – Nguyên GĐ Khối Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng Đại Dương: 36 tháng tù về tội Cố ý làm trái.
12 – Đỗ Đại Khôi Trang (SN 1976, HKTT quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) – Nguyên GĐ Khối Khách hàng cá nhân Ngân hàng Đại Dương. 36 tháng tù về tội Cố ý làm trái.