Kẻ khóc, người cười
Là điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Cao Thị Thu Hà xin nghỉ một ngày để đưa con gái Phạm Thu Phương đi thi tại điểm trường THCS Khương Đình. Không biết đi xe máy, chị dậy từ 4 giờ sáng, đồ xôi đỗ, gọi con dậy ăn rồi nhờ một người quen chở hai mẹ con đến cổng trường từ sớm để thi môn đầu tiên. Bên cốc trà đá chờ con, chị Hà tâm sự, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con nên từ bé Phương phải tự ý thức học hành. Từ lớp 1 đến lớp 9, Phương đều đạt thành tích học sinh giỏi của trường. Ấy vậy nhưng, đứng trước kỳ thi tuyển lớp 10 chị hoang mang cực độ.
Chị kể, con rất muốn thi vào trường top đầu nhưng vì lo lắng nên chị chỉ cho con đăng ký vào trường top giữa là trường THPT Trần Hưng Đạo. “Nhiều đêm đang ngủ lại tỉnh dậy vì lo. Con mình không có tiền đi học thêm như chúng bạn. Nếu trượt trường công, nhà cũng chẳng có tiền để đi học trường tư. Tương lai con rồi sẽ về đâu”. Trong câu chuyện, thi thoảng chị lại hỏi dò liệu các trường nghề hiện nay có tốt để gửi con.
Ở một góc khác trên vỉa hè, chị Nguyễn Lan Anh, mẹ của thí sinh Nguyễn Phi Trường kể, nhà ở đường Láng cách điểm thi THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân chừng 2 km nhưng chị không về mà bám điểm thi đợi con làm bài. Chị chia sẻ, trước kỳ thi con rất tự tin động viên mẹ sẽ được mỗi môn ít nhất 7 điểm nhưng mẹ thì mất ăn, mất ngủ vì lo. Theo chị Lan Anh, dù làm nghề buôn bán chẳng biết nhiều về chữ nghĩa nhưng cả năm nay, con học gì chị đều học cùng con. Chị nói vanh vách về các tác phẩm văn xuôi, thơ trong sách giáo khoa lớp 9. “Tôi lưu ý con học kỹ các tác phẩm 2 -3 năm trở lại đây chưa ra đề, các vấn đề môi trường, biển đảo, cá tôm chết, trách nhiệm của người trẻ”, chị nói.
Trong khi đó, ở điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn quận Hà Đông (Hà Nội) đa số phụ huynh đứng chờ con với tâm trạng khá thoải mái. Điểm thi này có 426 thí sinh dự thi với 18 phòng thi nhưng chỉ có 14 học sinh đạt học lực khá, 2 học sinh học lực trung bình, còn lại có tới 410 em đạt học sinh giỏi đăng ký dự thi vào trường. Thầy Nguyễn Thế Quang, hiệu phó Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, năm nay trường tuyển 560 học sinh lớp 10 nhưng nguyện vọng 1 đã có 1.100 em đăng ký.
Toán điểm cao, Văn điểm thấp
Sau 120 phút làm bài thi môn Văn, Cao Duy Quyết cho biết, trước kỳ thi em học hết tất cả các tác phẩm nhưng không ôn kỹ vào phần II của đề Văn do đó có hơi bất ngờ. Đề văn năm nay gồm hai phần, phần I gồm các câu hỏi xoay quanh bài “Phong cách Hồ Chí Minh”. Phần II gồm 4 câu liên quan đến tác phẩm “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt. Tuy nhiên, kết thúc phần thi đa số thí sinh được hỏi đều cho rằng, đề thi khá bất ngờ. Theo một thí sinh, khi ôn thi cấu trúc đề thi những năm trước thường là một bài thơ và trích đoạn tác phẩm văn học. Đề thi năm nay bất ngờ cả phần I lẫn phần II, đặc biệt là bài thơ “Bếp lửa” thuộc phần tự học nên ít người học kỹ.
Cô Nguyễn Thị Hà Thanh, giáo viên dạy Văn Trường THPT Lê Qúy Đôn cho rằng, đề thi Văn năm nay cơ bản là kiến thức trong sách giáo khoa, có câu hay nhưng học sinh khó đạt điểm 8, điểm 9. “Với đề thi này, đa số học sinh trung bình khá sẽ đạt điểm từ 5-7”, cô Thanh dự đoán. Ở phần I, câu 1 dễ trả lời nhưng đến câu 2 đề yêu cầu “Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ…” là câu hay vì đề không đi theo lối mòn yêu cầu học sinh xác định biện pháp nghệ thuật trong tác phẩm như mọi năm. Một điểm mới nữa trong đề thi năm nay là phần I không phải là một tác phẩm văn xuôi hay thơ thông thường mà là một văn bản nhật dụng (phản ánh những vấn đề, hiện tượng gần gũi cấp thiết với đời sống, cộng đồng).
Cô Thanh cũng cho rằng, cái khó đối với học sinh trong phần II chính là yêu cầu của câu 4: “Hãy nêu tên một tác phẩm khác trong chương trình Ngữ văn cấp THCS cũng viết về tình cảm bà cháu và ghi rõ tên tác giả”. Đáp án của câu này chính là tác phẩm “Tiếng gà trưa” của nhà thơ Xuân Quỳnh trong sách giáo khoa lớp 7. “Với câu này, đa số học sinh sẽ không liên tưởng được đến bài thơ như đáp án, chưa kể bài “Tiếng gà trưa” cũng chỉ có 2-3 câu nói về tình cảm bà cháu học sinh rất khó để nhớ ra”, cô Thanh khẳng định.
Trong khi đó, kết thúc phần thi môn Toán, đa số thí sinh ùa vào vòng tay người thân với tâm trạng vui vẻ. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, học sinh Trường THCS Phú Thượng cho biết, em làm hết bài thi trong khoảng 2/3 thời gian và tự tin đạt điểm 9. Tuyết cho rằng, đề thi bình thường, không đánh đố và hoàn toàn trong năng lực của mình.
Thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy Toán Trường THCS Thái Thịnh cũng dự đoán, năm nay môn Toán điểm sẽ cao hơn năm trước, nhiều em sẽ đạt điểm 9, 10. Đề Toán năm nay cấu trúc không thay đổi so với năm ngoái cũng như so với đề khảo sát của Sở GD&ĐT Hà Nội hồi đầu tháng 5.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kết thúc ngày thi 8/6 với hai môn Văn và Toán, toàn thành phố có hơn 300 em không dự thi. Trong đó, có nhiều em thi đỗ vào trường chuyên, một số em đã được tuyển thẳng, một số em bị ốm. Có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi bị lập biên bản do mang điện thoại di động vào phòng thi. Đặc biệt, có một thí sinh bị tai nạn gãy chân trước kỳ thi ít ngày, đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức nhưng gia đình có nguyện vọng thi nên được bố trí dự thi tại điểm thi THPT Trần Phú.
Hôm nay, 9/6, học sinh thi vào các trường THPT chuyên tiếp tục thi các môn chuyên.