Ra khỏi phòng thi khá vui vẻ, em Nguyễn Hiển Đăng, học sinh trường THPT Kim Giang (Hà Nội) cho rằng đề thi năm nay khiến học sinh bất ngờ hơn mọi năm. Đặc biệt, ở câu hỏi thứ nhất hỏi về phong cách Hồ Chí Minh.
“Với đề này em không ôn nhiều. Theo em, đề văn năm nay đã có sự thay đổi hơn mọi năm, không chỉ vì ra ở dạng đề mở nữa mà học sinh phải bàn luận những vấn đề lớn lao hơn. Đặc biệt, cấu trúc đề cũng khác, thường đề sẽ có một câu trong học kì một và một câu trong học kì 2 nhưng năm nay cả hai câu hỏi đều nằm trong chương trình của học kì 1. Với đề này em nghĩ mình đạt 7,5 điểm”.
Với Bùi Hiếu Hạnh, học sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên cho rằng, đề thi năm nay ra khá bất ngờ, mới mẻ hơn mọi năm nhưng nếu ôn tập kĩ thì đề khá dễ đạt 7-8 điểm.
Tương tự nhiều thí sinh tại điểm thi THCS Khương Đình (Hà Nội), đề thi khá bất ngờ.
Một thí sinh cho biết, trong quá trình ôn tập, giáo viên ôn tất cả tác phẩm trong sách giáo khoa nhưng không chú trọng vào tác phẩm Bếp lửa. Vì thế, khi phần II của đề thi em khá bất ngờ. Thí sinh này cũng chia sẻ, bà nội, ngoại đều ở khá xa, chỉ thi thoảng em mới về thăm bà nên không có kỷ niệm nào đặc biệt để có cảm xúc viết về nhà như nhà thơ Bằng Việt.
Ngược lại, Nguyễn Quang Thiệp, học sinh Trường THCS Nhân Chính lại bày tỏ sự phấn khích sau khi kết thúc môn thi thứ nhất. Thiệp chia sẻ, từ bé em được sống với bà nội. Hàng ngày bà chăm lo cho em miếng ăn, giấc ngủ giống như hình ảnh người bà trong tác phẩm nên dù có bất ngờ với đề thi, không ôn tập kỹ tác phẩm nhưng em hoàn toàn tự tin về phần II trong đề. Thiệp cho biết, trước kỳ thi, em dự đoán năm nay đề có thể ra về môi trường biển, tuổi trẻ với biển đảo hoặc các vấn đề chính trị hoặc facebook nhưng đề "rất bất ngờ".
Cô Nguyễn Kim Thanh, giáo viên dạy văn trường THPT Hoàn Kiếm- Tân Trào cho rằng đề thi năm nay mới và bất ngờ hơn năm trước: “Đề đi vào những vấn đề rộng hơn không bó hẹp như các năm trước. Cái mới ở đề năm nay học sinh cần phải hiểu, Văn là đời sống- xã hội, văn không chỉ là văn bản khô cứng nữa”.
Cũng theo cô Thanh, đề văn năm nay có sự phân hóa tốt. Học sinh khá giỏi có thể đạt 7-8 điểm. Tuy nhiên, muốn đạt điểm giỏi trở lên học sinh phải có phông kiến thức rộng để đưa ra những nhận định hiểu biết về xã hội.
Dưới đây là nguyên văn đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội.
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
Năm học 2016 – 2017
Môn thi: NGỮ VĂN
Ngày thi: 08/6/2016
Thời gian làm bài: 120 phút
Phần I (4,0 điểm)
Trong bài Phong cách Hồ Chí Minh, sau khi nhắc lại việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới,tác giả Lê Anh Trà viết:
…”Nhưng điều kỳ lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”…
(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
- 1. Ở phần trích trên, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi những yếu tố nào? Em hiểu được điều gì về tình cảm của tác giả dành cho Người?
- 2. Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn và cho biết hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ ấy.
- 3. Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Phần II (6,0 điểm)
Ở bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), trong dòng hồi tưởng, người cháu nhớ lại:
….”Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi”…
rồi trở về thực tại:
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...”
(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
- 1. Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
- 2. “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong bài thơ gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước? Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có tác dụng gì?
- 3. Viết một đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng phép nối để liên kết và một câu bị động (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép nối và câu bị động).
- 4. Hãy nêu tên một tác phẩm khác trong chương trình môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở cũng viết về tình cảm bà cháu và ghi rõ tên tác giả.
.....Hết.....
Ghi chú: Điểm phần I: 1. (1,0 điểm); 2. (1,0 điểm); 3. (2,0điểm).
Điểm phần II: 1. (0,5 điểm); 2. (1,5 điểm); 3. (3,5 điểm);4. (0,5 điểm).