Tuyển sinh ngành Y: Không thể thiếu môn Sinh, môn Hóa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đào tạo ngành Y có thể yêu cầu đầu vào bổ sung một số môn học nhưng không thể thiếu môn Hóa, môn Sinh.

Đó là ý kiến của nhiều người trong cuộc liên quan đến việc một số trường đại học mở rộng tổ hợp xét tuyển nhóm ngành sức khỏe trong mùa tuyển sinh năm nay.

Tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2023 cả nước có 23 cơ sở giáo dục ĐH xét tuyển ngành Y khoa. Trong đó, có 4 trường ĐH đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển và có một số trường, trong tổ hợp không có môn Sinh, vốn là môn học được cho là truyền thống, cốt lõi khi đào tạo ngành Y.

Tuyển sinh ngành Y: Không thể thiếu môn Sinh, môn Hóa ảnh 1

Ảnh: internet

PGS. TS Lê Đình Tùng, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, các trường đào tạo Y khoa của các nước nói tiếng Anh thường sử dụng kết quả kỳ thi UCAT (University Clinical Aptitude Test) và BMAT (Biomedical Admission Test), MCAT (Medical College Admission Test) để tuyển sinh. Trong các kỳ thi này, thí sinh thường phải kiểm tra 4 nhóm năng lực là ngôn ngữ; tư duy định lượng; kiến thức khoa học tự nhiên bao gồm hóa, sinh, lý sinh; năng lực phân tích, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định.

Theo ông Tùng, việc bổ sung thêm các môn học khác trong tổ hợp truyền thống để tuyển sinh vào ngành Y là cần thiết để lựa chọn được các thí sinh phù hợp nhất và đảm bảo sự công bằng cho các em học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện điều này thì đòi hỏi cần có lộ trình và theo đúng quy chế hiện hành. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT thực hiện đúng các quy định về chuẩn đầu vào của các chương trình đào tạo. Nếu muốn theo cách tuyển sinh ngành Y của các nước có nền đào tạo y khoa phát triển thì cần hiểu năng lực ngôn ngữ không chỉ là kiến thức Văn học mà phải có một công cụ lượng giá phù hợp để đánh giá đúng năng lực này.

Có ý kiến cho rằng việc các trường ĐH tuyển sinh ngành Y bằng tổ hợp có môn Văn, các bộ ngành chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khoa học. Phải làm rõ sử dụng môn Văn để tuyển sinh ngành Y nhằm mục đích gì? Bởi trong chương trình đào tạo Y khoa, không có môn học nào liên quan đến Văn học.

Còn các trường ĐH đưa môn học này vào xét tuyển có viện dẫn mục đích để tuyển chọn được những bác sĩ tương lai không chỉ khám chữa bệnh giỏi mà còn có kỹ năng giao tiếp, biết thấu cảm với người bệnh… tức là có y đức thì cần phải được nhìn nhận rất rõ môn Văn ở đây là Văn học không liên quan nhiều đến vấn đề đạo đức. Đạo đức ngành Y cần được giáo dục, bồi dưỡng liên tục trong suốt quá trình học ở trường ĐH cũng như khi các bác sĩ đi làm tại các cơ sở y tế.

Từ góc độ của một giảng viên tham gia đào tạo Y khoa, ông Lê Đình Tùng khẳng định Toán - Hóa - Sinh (B00) là tổ hợp truyền thống được nhiều trường ĐH của Việt Nam sử dụng để xét tuyển ngành Y khoa từ trước đến nay. Gần đây, một số trường có sử dụng tổ hợp A00 (Toán - Lý - Hóa) để tuyển sinh ngành Y. Tuy nhiên, tổ hợp B00 vẫn là phù hợp nhất với việc lựa chọn sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Về vấn đề đào tạo ngành Y trong thời gian tới, ông Tùng chia sẻ hiện các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đang trong lộ trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của ngành, nhóm ngành. Từ đó, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, trong đó có yêu cầu cụ thể về chuẩn đầu vào. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng có căn cứ để giám sát và hỗ trợ việc thực hiện các phương thức xét tuyển hay thi tuyển sinh và các tổ hợp xét tuyển cũng như hình thức tổ chức tuyển sinh sao cho phù hợp để chọn được các thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo cũng như đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh.

Đồng thời, xây dựng được các công cụ lượng giá phù hợp đối với từng lĩnh vực năng lực. Ví dụ như kỹ năng giao tiếp hay là thái độ ứng xử thì đòi hỏi không chỉ là đánh giá bằng các bài thi thông thường hiện nay mà cần phải có các bài thi liên quan, ví dụ như phỏng vấn.

MỚI - NÓNG