Việc một số trường đại học tư thục xét tuyển đầu vào ngành Y khoa bằng môn Ngữ Văn đang làm xã hội vô cùng băn khoăn liệu các nhân viên ngành Y tương lai có thực sự làm việc được không?
Chia sẻ góc nhìn của mình, Nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu - đang làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), CEO Học viện GAP cho rằng, chúng ta cần bình tĩnh để hiểu chính xác thế nào là tuyển sinh.
Vấn đề tuyển sinh là các trường sẽ dùng nhiều phương thức khác nhau để xem một học sinh có đủ khả năng học được ngành đó và có khả năng tốt nghiệp được ngành đó sau có thể ra trường làm nghề phù hợp hay không?
Anh Hiếu cho rằng, với đào tạo y khoa, hiện nay, chúng ta đang dùng tổ hợp toán, hóa, sinh nhiều nhất để đánh giá, xét tuyển. Mọi người tin rằng một bạn giỏi môn toán, hóa, sinh sẽ có khả năng học tốt y khoa. Và khi học tốt thì sẽ ra trường tốt. Đó là niềm tin giáo dục của chúng ta từ trước đến giờ.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, có nhiều câu hỏi đặt ra là bác sĩ cần rất nhiều kĩ năng mềm khác nhau. Bác sĩ còn cần đến khả năng quan tâm đến người khác, khả năng thấu cảm, khả năng giao tiếp thì tổ hợp toán- hóa- sinh có phản ánh đủ những năng lực này hay không. Từ đó, một số trường họ nói tổ hợp này chưa phải là chỉ dẫn tốt cho biết học sinh này có khả năng chăm sóc, thấu cảm,… đến người khác hay không?
“Việc các trường có sử dụng môn ngữ văn xét tuyển ngành Y vẫn có cái hợp lý. Môn ngữ văn có thể cho chúng ta chỉ dẫn khác. Nó cho biết sinh viên này có thể trở thành bác sĩ có khả năng thấu cảm, khả năng cảm xúc,..”- anh Hiếu nêu quan điểm.
Nhà nghiên cứu này chỉ ra, chúng ta nhìn thấy kiến thức toán, hóa, sinh là một thứ có thể đào tạo được dễ dàng. Cấp 3 học chưa giỏi thì đại học sẽ dạy cho học sinh đó giỏi. Nếu chúng ta nhìn thấy các môn này có thể đào tạo được thì tuyển sinh bằng các môn toán, hóa, sinh không quá quan trọng vì cho dù chúng ta lỡ tuyển không giỏi những môn đó thì vào đại học vẫn đào tạo để giỏi lên.
Tương tự như vậy, khả năng thấu cảm, khả năng quan tâm đến người khác, khả năng giao tiếp tốt bằng cảm xúc,.. là những tố chất mà bác sĩ cần nhưng các kĩ năng này rất khó để đào tạo. Vì thế, chúng ta cũng cần tuyển những người có tố chất này.
Mặt khác, theo anh Hiếu, ở trường tư thục tuyển sinh ngành Y có thêm tổ hợp này rõ ràng tạo ra nhiều cơ hội để mọi người được vào học ngành bác sĩ. Và mỗi các bạn đi theo cách tuyển sinh khác nhau sẽ có tố chất khác nhau. Có bạn có khả năng tự nhiên giỏi nhưng có người lại giỏi về khả năng thấu cảm, giao tiếp…
Khả năng thấu cảm, khả năng quan tâm đến người khác, khả năng giao tiếp tốt bằng cảm xúc,.. là những tố chất mà bác sĩ cần nhưng các kĩ năng này rất khó để đào tạo
“Là người từng tuyển sinh đại học và hiện tại đang làm tuyển sinh cho ngành y thì tôi thấy xét tuyển tổ hợp này cũng hợp lý. Tôi tôn trọng góc nhìn của các trường triển khai chuyện này. Tôi hiểu họ vì sao có cách làm này. Các trường hiểu kĩ năng nào của sinh viên có thể đào tạo, là kĩ năng khó đào tạo. Lựa chọn cách xét tuyển này là họ đánh giá cao những kĩ năng khó đào tạo mà thôi.
Nới đầu vào, siết đầu ra?
Nhà nghiên cứu Giáo dục Lê Đình Hiếu cho rằng, ở Việt Nam thiếu y bác sĩ vô cùng trầm trọng. Tỉ lệ bác sĩ trên 10.000 dân ở Việt Nam là thấp nhất châu Á và luôn cần được bổ sung. Rõ ràng, việc mở rộng đầu vào thêm các tổ hợp sẽ mở rộng thêm cơ hội cho các bạn vào ngành y vẫn cần thiết.
“Quan điểm của tôi là quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra mới quan trọng. Chúng ta có thể để chuẩn đầu vào tương đối thoải mái. Chúng ta chỉ cần đảm bảo người tốt nghiệp ngành Y ra có lượng kiến thức và kĩ năng thì vẫn là hợp lý. Đây cũng là cách chúng ta nên đi và các nước trên thế giới vẫn làm”- anh Hiếu nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng, việc các trường đưa môn ngữ văn vào xét tuyển ngành Y mang tính cảm tính, anh Hiếu cho rằng, môn ngữ văn có barem điểm chặt chẽ. Môn ngữ văn giúp chúng ta đánh giá được những năng lực mang tính con người. Rõ ràng nó là môn khoa học tốt và chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng để tuyển sinh.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, vài năm qua việc tuyển sinh giao cho các trường tự chủ. Việc quan trọng là trường sẽ phải được tự chủ về tuyển sinh. Với một trường đại học, thì đầu vào của họ là các sinh viên. Nếu họ không có quyền tự chủ thì rõ ràng là bất công. Đó là cơ sở đào tạo, cơ sở kinh doanh của họ mà họ lại không được đào tạo hạt giống theo ý muốn của họ thì rõ là có vấn đề.
Bộ GD&ĐT chỉ làm công việc giám sát, hàng năm các trường gửi lên đề án tuyển sinh kiểm soát ở tầm cao. Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế nên kiểm soát đầu ra, còn đầu vào thì giao nhiều quyền tự chủ cho các trường. Đầu ra nên có chuẩn đánh giá, chuẩn khung năng lực sát sao đảm bảo các bạn tốt nghiệp ngành nào ra thì làm ngành đó tốt.
Lê Đình Hiếu - CEO Học viện GAP - một doanh nhân xã hội với 10 năm kinh nghiệm trong các mảng khác nhau: từ giáo dục phổ thông, giáo dục công nghệ & sáng tạo, giáo dục âm nhạc, đào tạo kỹ năng, hướng nghiệp, và giáo dục dành cho người khuyết tật... Với sức ảnh hưởng của mình tới giới trẻ Việt Nam, anh từng được Forbes vinh danh trong danh sách 30 under 30 năm 2016.