Đánh giá toàn diện được thí sinh?
Trong 27 trường đại học đào tạo ngành Y khoa của cả nước, có bốn trường dùng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển, bên cạnh ba tổ hợp khác, chọn từ Toán, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên.
Cụ thể, trường Đại học Văn Lang lần đầu sử dụng tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh) để xét tuyển ngành Y khoa bằng cả điểm thi tốt nghiệp và học bạ. Trong khi đó, trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng dùng tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn); trường Đại học Võ Trường Toản ở Hậu Giang và trường Tân Tạo ở Long An cùng sử dụng tổ hợp B03 (Toán, Văn, Sinh), chỉ theo cách xét điểm tốt nghiệp.
Trả lời báo chí, TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng thường trực trường Đại học Duy Tân, cho biết trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa từ năm 2022, sau khi tham khảo ý kiến của nhà tuyển dụng và kinh nghiệm đào tạo.
Theo ông Hải, các lãnh đạo bệnh viện được khảo sát đều mong tuyển được những bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh. Đây cũng là nhu cầu của người dân khi đi khám chữa bệnh.
Ông Hải cho rằng tổ hợp Toán, Khoa học tự nhiên và Văn đánh giá khá toàn diện khả năng của thí sinh.
Trường xác định hai môn quan trọng với ngành Y là Toán và Sinh. Nhưng thay vì chỉ lấy điểm môn Sinh, trường dùng bài thi Khoa học tự nhiên gồm ba môn Sinh, Hóa, Lý. Sau khi cân nhắc, hội đồng thêm môn Văn vào tổ hợp.
Cũng theo ông Hải, một lý do khác là trước đây ngành Điều dưỡng đã xét tuyển bằng ba tổ hợp có môn Văn: A16, B03 và C02 (Văn, Hóa, Toán), sinh viên ra trường được nhà tuyển dụng đánh giá phù hợp, bắt nhịp nhanh, hoàn thành tốt công việc.
Ai cũng cần có văn hóa, thương người, có riêng gì bác sĩ?
Trước thông tin đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y, em Nguyễn Hữu Vinh- sinh năm 3 trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, em cũng không hiểu sao các trường lại xét tuyển thêm môn ngữ văn.
“Em nghĩ chắc là tuyển môn ngữ văn thêm để sau này các bác sĩ tương lai có thể tăng khả năng giao tiếp người bệnh”- sinh viên y này nói.
Vinh cho rằng, em thấy rõ ràng môn ngữ Văn nằm trong điều kiện tốt nghiệp cấp 3 rồi. Nếu thế sinh viên Y vào trường thì chắc chắn đã có cái nền văn của tốt nghiệp cấp 3.
Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y, cách làm này mang tính hình thức và cảm tính", Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương.
“Như vậy em nghĩ thế đã đủ vì ai cũng cần có văn hóa chứ không chỉ riêng bác sĩ”- Vinh chia sẻ.
Cũng theo sinh viên này, bản thân em học Y thì mấy môn cơ sở đều từ Hóa, Sinh, Lý: “Bảo tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia môn Lý thì vẫn đang có chút hợp lý. Chứ tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh em cũng bất ngờ lắm, vì xét cho cùng tiếng Anh cũng như tiếng Việt, đều chỉ là ngôn ngữ mà thôi”- Vinh chia sẻ.
Cũng theo Vinh, qua tìm hiểu thì em thấy các nước như Mỹ, Úc thì phải học Đại học 1 môn khoa học lấy bằng cử nhân rồi mới học Y khoa tiếp.
“Mấy trường ở nước ngoài thì sẽ không học Y ngay từ đầu mà học đợt đầu là học về khoa học. Em thấy như thế là hợp lý”- sinh viên này nêu quan điểm.
Dở vì môn ngữ văn chưa đáng tin cậy?
Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng, đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y, cách làm này mang tính hình thức và cảm tính.
Ông Vương cho rằng, đúng ra trường y muốn tuyển đúng người thì phải có viết luận để kiểm tra năng lực ngôn ngữ, tư duy, sự phong phú trong tâm hồn của các bác sĩ tương lai. Ngoài ra cần có phỏng vấn để xác thực và kiểm tra các năng lực thể hiện qua cử chỉ, nét mặt, tiếng nói, phản xạ giao tiếp...
Theo nhà nghiên cứu này, xét điểm thì không có ích nhiều vì điểm thi không phản ánh hết, đúng, đầy đủ năng lực thực sự nhất là trong bối cảnh môn Văn được dạy rất tệ ở trường phổ thông hiện nay.
Văn học ở trường chỉ là nguyên liệu, anh phải biến nó thành kĩ năng, lời nói, phẩm chất, sản phẩm của anh. Viết luận thường người ta hạn chế dung lượng nên phải suy ngẫm thấu đáo, viết hay, sắc bén còn phỏng vấn họ hỏi nhiều điều, rộng và sâu đòi hỏi tư duy linh hoạt, nhãn quan, tầm nhìn.
“Những thứ học gạo khó mà có được. Đó là lý do công ty tư người ta bắt buộc làm việc này khi tuyển dụng, học bổng nước ngoài họ cũng bắt buộc phỏng vấn”- ông Vương nêu quan điểm.
“Tôi cho rằng, viết luận và phỏng vấn là cần cho mọi ngành kể cả ngành y. Ở nước ngoài họ làm lâu rồi. Chỉ ở nước ta thấy lạ thôi”- ông Vương nêu quan điểm.