Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Lo tỉ lệ chọi cao

Vào lớp 10 trường công lập năm nay thực sự là một cuộc đua cam go. Ảnh: Hồng Vĩnh
Vào lớp 10 trường công lập năm nay thực sự là một cuộc đua cam go. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tỉ lệ chọi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay khá cao do lượng thí sinh đăng ký dự tuyển tăng vọt. Càng gần đến ngày thi, phụ huynh, thí sinh càng áp lực khi phải nỗ lực giành được suất vào trường công lập.

30.000 học sinh sẽ phải học hệ ngoài công lập

Theo lịch tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội năm nay, thí sinh dự tuyển vào lớp 10 sẽ tham gia thi cac môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và các môn chuyên theo lịch từ ngày 11-13/6. Thí sinh đăng ký lớp 10 không chuyên sẽ dự thi tại trường THPT đăng ký nguyện vọng 1 vào ngày 11/6 với buổi sáng thi môn Ngữ văn, chiều thi Toán. Thí sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên sẽ dự thi ba môn không chuyên và các môn chuyên trong 3 ngày trên.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường THPT khối không chuyên khoảng gần 80.000, tăng tới gần 10.000 em so với năm học trước. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vào các trường công lập dù đã được điều chỉnh cho phép tuyển vượt 10-20% cũng chỉ đáp ứng được 68% (khoảng hơn 50.000 học sinh), còn khoảng 30.000 học sinh không trúng tuyển sẽ phải học ở các trường ngoài công lập.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh ở quận Ba Đình có con gái thi vào lớp 10 chia sẻ, khoảng vài tháng nay, mỗi ngày con chỉ ngủ được vài tiếng còn lại là học ở nhà và luyện ở các trung tâm. Sợ trượt trường công lập, con gái chị nhốt mình trong phòng cả ngày thậm chí ít ăn uống và không cả chơi đùa với em út trong nhà. Mục tiêu con gái chị đặt ra là thi đỗ vào trường THPT công lập có tiếng gần nhà.

Theo chị Vân Anh, mặc dù ở lớp kết quả học tập cháu luôn thuộc top đầu nên gia đình không quá lo lắng nhưng năm nay tỉ lệ chọi quá cao, tự bản thân cháu thấy áp lực. “Gia đình cũng động viên cháu ổn định tâm lý nhưng nói thật, nếu cháu không thi đỗ vào trường THPT công lập thì gia đình không đủ điều kiện cho cháu học ở trường ngoài công lập với mức học phí đắt đỏ”, chị Vân Anh nói.

Anh Nguyễn Công Trung ở quận Tây Hồ năm nay đăng ký cho con dự tuyển vào trường THPT Chu Văn An. Tuy nhiên Chu Văn An là trường tuyển sinh trên toàn thành phố và các tỉnh phía bắc từ Thanh Hóa trở ra nên có lượng thí sinh đăng ký dự tuyển lớn. Tin tưởng vào kết quả học tập của con nhưng anh Trung vẫn lo tìm các trung tâm luyện thi có tiếng để gửi con vào học. 

Đảm bảo 100% học sinh có chỗ học

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến thời điểm này, phương án tuyển sinh lớp 10 đã được UBND Thành phố Hà Nội chính thức phê duyệt. Tuyển sinh theo phương án kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Điểm xét tuyển được căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS, kết quả thi 2 môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày 11/6 tới. Ngoài ra, những thí sinh thuộc diện con em gia đình chính sách hoặc đạt giải cá nhân trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên sẽ được cộng điểm ưu tiên để xét tuyển.

Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Khu vực tuyển sinh được xây dựng dựa trên hồ sơ đăng ký dự tuyển của học sinh. Học sinh có hộ khẩu thường trú ở địa điểm nào sẽ được đăng ký dự tuyển vào 2 trường công lập ở khu vực đó. Tuy nhiên 2 trường phải nằm trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên.

Theo hồ sơ hướng dẫn tuyển sinh năm nay, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, kể cả lớp 10 không chuyên của trường THPT Chu Văn An và trường THPT Sơn Tây xếp theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Đối với học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2.

Đối với học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chuyên, được chọn tối đa 2 trong 4 trường, gồm: THPT chuyên Hà Nội  - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay lượng thí sinh tăng vọt tuy nhiên, Sở đã chỉ đạo các cơ sở đảm bảo 100% học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào trường THPT.

PGS.TS Văn Như Cương bình luận, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 dựa trên kết quả học tập và một bài thi chung là giải pháp tốt để đánh giá chất lượng học sinh. “Tuy nhiên, với lượng thí sinh tăng cao, đòi hỏi học sinh phải nỗ lực để vào được trường mong muốn, điều này có thể là cú hích động lực đối với học sinh cuối cấp năm nay”, PGS Cương nói.

Tại cuộc họp hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 gần đây nhất, hiệu trưởng nhiều trường THCS đã bày tỏ băn khoăn về việc một học sinh tham gia nhiều giải thưởng như: Thi thí nghiệm thực hành, thi giải Toán qua mạng, thi học sinh giỏi… thì việc cộng điểm ưu tiên như thế nào? Trả lời băn khoăn này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại hướng dẫn, mỗi học sinh chỉ được cộng điểm một lần, lấy giải thưởng cao nhất quy ra điểm tương ứng.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.