Tuyển sinh ĐH năm 2024: 'Vào guồng' đào tạo ngành sư phạm tích hợp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với yêu cầu của thực tế đối với các môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường đại học (ĐH) sư phạm bắt đầu vào guồng mở ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây cũng là cơ hội đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm.

Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, một số môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được đưa vào giảng dạy như môn tích hợp Lịch sử - Địa lí, môn Khoa học Tự nhiên (Lí - Hóa - Sinh).

Trước đó, do chưa có sự chuẩn bị chu đáo nên tình trạng thiếu giáo viên ở những môn học này rất nghiêm trọng tại tất cả các địa phương trên cả nước. Bộ GD&ĐT dự báo năm học tới, 2024 - 2025, môn Khoa học Tự nhiên thiếu gần 2.400 giáo viên. Số sinh viên nhập học và tốt nghiệp trình độ ĐH để dạy 2 môn tích hợp này đang rất hạn chế. Từ năm 2019 mới có cơ sở giáo dục ĐH đào tạo giáo viên hai môn học này.

Dù chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên môn Lịch sử - Địa lí là 150 nhưng chỉ có 9 sinh viên nhập học; môn Khoa học Tự nhiên có chỉ tiêu 270 nhưng chỉ có 80 sinh viên nhập học. Trong khi nhu cầu tuyển dụng của địa phương đối với giáo viên môn Khoa học Tự nhiên là gần 2.100 và môn Lịch sử - Địa lí là trên 1.700.

Tương tự năm 2020, chỉ khoảng 50% sinh viên nhập học 2 môn này so với chỉ tiêu, còn nhu cầu tuyển dụng của địa phương tăng cao hơn năm 2019. Đến năm 2022, năm 2023, số lượng sinh viên nhập học đã đạt 80 - 90% so với chỉ tiêu đặt ra.

Tuyển sinh ĐH năm 2024: 'Vào guồng' đào tạo ngành sư phạm tích hợp ảnh 1

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2023 để xét tuyển. Ảnh: Diệp An

Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển sinh 2 ngành mới là Sư phạm Lịch sử - Địa lí và Sư phạm Khoa học tự nhiên. Đây là lần đầu tiên trường này mở ngành đào tạo giáo viên môn tích hợp sau 5 năm Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với sự ra đời của các môn học tích hợp. Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lí từ năm 2020 và ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên vào năm 2021.

Như vậy đến tháng 6 tới, khóa đầu tiên ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lí của trường sẽ tốt nghiệp. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lí được đưa vào tuyển sinh lần đầu tiên năm 2023, năm nay, nhà trường bắt đầu tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên.

Việc các trường ĐH mở ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp được kỳ vọng sẽ giải quyết vướng mắc trong triển khai dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới trong trường phổ thông hiện nay.

Thời gian tới, các cơ sở đào tạo giáo viên tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo sau ĐH đối với 2 ngành học này. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, nhà trường bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với 2 ngành tích hợp này. Hiện nay, nhà trường đã và đang làm việc với một số trường ĐH danh tiếng và một số chuyên gia nước ngoài để thiết kế chương trình đào tạo sau ĐH có tính tích hợp.

Cơ hội mở cho thí sinh dự tuyển ngành sư phạm

Ghi nhận từ đề án tuyển sinh của khối trường sư phạm và trường có đào tạo ngành sư phạm cho thấy, có nhiều cơ hội cho thí sinh dự tuyển ngành này. Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn tổ chức 1 đợt thi đánh giá năng lực để tuyển sinh, dự kiến diễn ra ngày 11/5. Nhà trường sẽ công bố kết quả thi trước ngày 1/6. Hiện đã có 8 trường ĐH đăng kí lấy kết quả của kì thi này để xét tuyển ĐH năm 2024, trong đó có 7 trường sư phạm và cơ sở có đào tạo giáo viên trên cả nước.

Cuối tháng 3 vừa qua, hơn 3.500 thí sinh đã tham gia đợt đầu kỳ thi đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM để lấy điểm xét tuyển vào 7 trường sư phạm cả nước. 4 đợt thi còn lại của trường này sẽ diễn ra trong tháng 5 tại Long An, Gia Lai, Đà Nẵng và TPHCM.

Theo đại diện Trường ĐH Sư phạm TPHCM, kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng trong phương thức xét tuyển kết hợp với học bạ vào trường. Nhà trường dự kiến dành tối đa 40% chỉ tiêu của từng ngành theo cách xét tuyển này. Kết quả thi chuyên biệt còn được bảo lưu trong 2 năm. Đặc biệt, năm nay nhà trường đã tối giản hóa cách thức đăng ký để tạo sự dễ dàng cho các thí sinh tham gia.

Theo dự thảo báo cáo của Bộ GD&ĐT đánh giá giữa kì triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, năm học 2024 - 2025, cấp Tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ; ở cấp THCS, môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học Tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên…

MỚI - NÓNG