Năm nay, điểm chuẩn khối ngành Sư phạm được dự báo tiếp tục ở mức cao. Sau khi các trường ĐH công bố điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhóm ngành Sư phạm giữ kỷ lục về điểm sàn khi có ngành điểm sàn lên đến 25 điểm/tổ hợp.
Năm 2022, nhóm ngành này thuộc tốp có điểm chuẩn cao trong các nhóm ngành đào tạo. Trong đó, cao nhất là điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) là 39,9/40 điểm, tương đương 9,98 điểm/môn thi.
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ 2023. Ảnh: Mạnh Thắng |
Ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, đạt 38,6/40 điểm, trung bình gần 9,7 điểm/môn thi. Điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 28,5/30 điểm, trung bình 9,5 điểm/môn với 3 ngành Giáo dục chính trị tại tổ hợp C19 (Văn, Sử và Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa và Giáo dục công dân), Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử tại tổ hợp C00.
Trường ĐH Quy Nhơn năm trước lập kỷ lục xác định điểm sàn 6 ngành sư phạm lên tới 28,5/30 điểm/tổ hợp. Đây cũng là mức điểm chuẩn của 6 ngành này. Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên có điểm chuẩn cao nhất năm trước là 27,5 điểm (ngành Sư phạm Lịch sử).
Một nhóm ngành điểm chuẩn cao tiếp theo là các ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng… Đây là những ngành mà có năm điểm chuẩn vượt ngưỡng 30/30 điểm. Năm 2022, thí sinh phải đạt từ 28 - 29,9 điểm mới có thể đỗ vào những ngành này.
Ví dụ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội có 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, cùng lấy 29,9/30 điểm/tổ hợp C00, trung bình 9,98 điểm/môn thi. Ngành Báo chí tổ hợp C00 có điểm chuẩn là 29,9 điểm. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2022, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp có điểm chuẩn cao nhất với 37,6/40 điểm ở tổ hợp D78 (Ngữ văn, tiếng Anh, Khoa học xã hội), R26 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh).
Một nhóm ngành điểm cao không thể thiếu là Công nghệ thông tin. Ngành này của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022 có điểm lên tới 29,15/30 điểm. Đây cũng là nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất của ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy một số ngành không xét kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng riêng ngành Khoa học máy tính (IT1) thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin luôn lấy kết quả thi tốt nghiệp có điểm chuẩn cao nhất các ngành trong trường là 28,29/30 điểm.
Năm nay, trao đổi với phóng viên, PGS. TS Lê Đình Nam, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết điểm chuẩn nhóm ngành Công nghệ tốp đầu đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá tư duy sẽ nhỉnh hơn năm 2022. Còn tốp phía dưới giữ ổn định.
Ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, đề thi có sự phân hóa, nên ông Nam dự đoán điểm chuẩn của các ngành tốp trên của ĐH Bách khoa và chung cho các trường có thể vẫn giữ vững hoặc xê dịch không đáng kể.
PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết phương thức xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay của trường điểm chuẩn tăng lên 1 điểm so với năm 2022. Nguyên nhân là số lượng hồ sơ tăng 30% so với năm trước và chất lượng hồ sơ cũng rất cao khi có tới 70% thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS đạt từ 6.5 trở lên, con số này nằm ngoài dự đoán của nhà trường. Do đó, điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp không thấp hơn điểm năm 2022 (từ 26,1 đến trên 28 điểm).
Với nhóm ngành Y dược, PGS.TS Lê Đình Tùng, Phòng Đào tạo - Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay trên cơ sở phân tích đề thi tốt nghiệp và phổ điểm truyền thống của Trường ĐH Y Hà Nội là B00 (Toán, Hóa, Sinh), tổng số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên cao hơn năm trước. Trong đó, số thí sinh đạt 28 điểm trở lên bằng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y dược TPHCM.
Tuy nhiên, năm nay Trường ĐH Y Hà Nội tăng học phí theo lộ trình chung của Chính phủ từ 14,5 triệu đồng/năm học/sinh viên lên 55,2 triệu đồng/năm học/sinh viên nên có thể sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn ngành học của thí sinh. Chính vì vậy, ông Tùng dự đoán điểm chuẩn ngành Y khoa dao động không đáng kể so với năm 2022 là trên 28 điểm.
Mỗi thí sinh có 2 ngày nộp lệ phí
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển, tỉ lệ thí sinh đăng ký cao hơn năm 2022. Từ hôm nay đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống. Việc nộp lệ phí được chia thành 6 đợt, tùy từng tỉnh, thành để đảm bảo an toàn, thuận lợi, tránh hiện tượng quá tải trong quá trình thí sinh thanh toán trực tuyến.
Bộ GD&ĐT quy định, mỗi thí sinh có thời gian 2 ngày để nộp lệ phí xét tuyển. Trong đó, thí sinh ở Hà Nội nộp lệ phí từ 0h ngày 31/7 đến 17h ngày 1/8. Hệ thống đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2023 cho phép thí sinh được lựa chọn 1 trong 17 kênh thanh toán khác nhau (cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia) để đóng lệ phí xét tuyển, bao gồm các kênh ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, ví điện tử. Thí sinh có thể tự thanh toán hoặc nhờ người thân, thầy/cô giáo thanh toán hộ trên giao diện thanh toán của thí sinh.
Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý thí sinh chỉ nộp lệ phí trên Hệ thống xét tuyển, không thực hiện trên bất kỳ kênh thanh toán nào khác (trường hợp phát sinh kênh thanh toán khác, Bộ sẽ có thông báo trên Hệ thống xét tuyển và các phương tiện thông tin đại chúng).
Bộ GD&ĐT cho hay, quá trình thanh toán trực tuyến phụ thuộc việc kết nối nhiều hệ thống khác nhau, vì vậy thí sinh có thể gặp tình huống tắc nghẽn hệ thống. Trong trường hợp đó, thí sinh không nên cố gắng truy cập lại ngay, chờ khoảng 30 phút sau thực hiện lại.