Tuyển sinh đại học 2022: Hoang mang giữa 'ma trận thông tin'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Điều chỉnh kỹ thuật Quy chế tuyển sinh, trường đại học (ĐH) bổ sung các phương thức xét tuyển, một số trường tổ chức kỳ thi riêng, trường Y xét tuyển cả những tổ hợp không có môn Sinh.., khiến thí sinh không chỉ lo học mà còn hoang mang khi bước vào “ma trận thông tin” về tuyển sinh.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Yên (ở quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con gái chị đạt được đầy đủ yêu cầu để xét tuyển bằng các phương thức riêng của một số trường, đã có chứng chỉ IELT 7.0, học lực 5 kỳ THPT đạt loại giỏi. Đi nộp hồ sơ, đứng trước ma trận thông tin, 2 mẹ con mới vỡ lẽ, chưa hiểu gì về xét tuyển đại học (ĐH) năm nay. Với những gì con chị Yên đạt được thì cánh cửa vào ngành ngôn ngữ Anh của trường ĐH Hà Nội, trường ĐH Ngoại ngữ hay trường ĐH Ngoại thương vẫn rất mơ hồ.

“Ngôn ngữ Anh luôn là ngành có điểm chuẩn cao nhất, nhì trong các ngành ngôn ngữ ở các trường ĐH. Con không có điểm cộng ưu tiên khu vực hay đối tượng. Vì thế, những điều kiện con đạt được so với năm trước đều ở mức chấp chới nên rất lo”, chị Ngọc Yên chia sẻ.

Tuyển sinh đại học 2022: Hoang mang giữa 'ma trận thông tin' ảnh 1

Thí sinh đang rất hoang mang giữa nhiều luồng thông tin. Ảnh: Như Ý

Tại chương trình Tư vấn mùa thi “Bí quyết trúng tuyển ĐH”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật, trường ĐH Việt Đức, cho rằng không thể phủ nhận xu hướng vài năm trở lại đây các trường ĐH lấy kết quả tốt nghiệp THPT ngày càng giảm.

Hầu hết mỗi trường sẽ có từ 3 - 4 hoặc nhiều hơn phương thức tuyển sinh để lựa chọn thí sinh phù hợp với các ngành nghề đào tạo. Trường ĐH Việt Đức tổ chức thêm một kỳ thi riêng để xét tuyển. Ông Hưng nhận định, năm nay và những năm tiếp theo, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ một vai trò đáng kể trong xét tuyển sinh ĐH để các em chọn lựa phù hợp nhất.

Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Công nghệ TPHCM, đặc biệt lưu ý thí sinh điểm mới của tuyển sinh ĐH năm nay là sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT mới đăng ký nguyện vọng nên cần cân nhắc thật kỹ.

Theo ông Nhơn, thí sinh nên đăng ký số lượng nguyện vọng vừa phải, có phương án dự phòng; tập trung ở một vài nhóm ngành các em thích nhất, sắp xếp theo thứ tự từ yêu thích nhất xuống thấp dần. Những nguyện vọng cuối là nguyện vọng “chống trượt”; cần tham chiếu điểm chuẩn trong khoảng 2 - 3 năm gần đây của ngành muốn đăng ký để cân nhắc.

Thí sinh có 6 tuần đăng ký nguyện vọng tuyển sinh

TS. Lê Xuân Thành,Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất nhìn nhận, mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận hàng loạt trường tư vấn theo hình thức trực tuyến, việc quảng bá của các trường khiến thí sinh có thể bị “mắc kẹt” giữa “bão” thông tin. Cách tốt nhất, các em nên quan tâm đến những trường, ngành nghề mà mình dự định đăng ký xét tuyển, tránh bị sa đà vào “ma trận thông tin”.

Năm nay cũng ghi nhận một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Lợi dụng việc này, một số trang mạng có rao bán các bộ đề thi và khóa ôn luyện. Vì thế, thí sinh cần tỉnh táo trước những thông tin này, tránh “tiền mất, tật mang”.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết dự kiến thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT vào tháng 4 tới.

Điểm mới trong tuyển sinh năm nay là thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH sẽ chỉ diễn ra 1 lần, dự kiến bắt đầu sau thời điểm thi tốt nghiệp THPT, kéo dài khoảng 6 tuần để thí sinh có thời gian nghiên cứu, điều chỉnh.

“Khác với năm trước, năm nay chỉ có một giai đoạn đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng sau kỳ thi tốt nghiệp. Dự kiến sau thời gian phúc khảo, hệ thống sẽ chốt lại các nguyện vọng xét tuyển cuối cùng của học sinh”, TS. Mạnh Hùng thông tin.

Theo ông Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, kinh nghiệm tốt nhất là thí sinh nên vào website của trường đọc đề án tuyển sinh, chú ý số lượng chỉ tiêu của ngành đối với từng tổ hợp, từng phương thức xét tuyển. “Thí sinh đã biết sức mình nhưng cũng cần biết sức người khác còn vượt hơn, do nhiều thí sinh có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng”, ông Tư lưu ý.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.