Tuyển sinh 2019: Chọn nghề hay nghề chọn?

Trước ngưỡng cửa ĐH, thí sinh không chỉ căng thẳng khi tham gia kỳ thi mà còn rất cân nhắc khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Ảnh: Như Ý
Trước ngưỡng cửa ĐH, thí sinh không chỉ căng thẳng khi tham gia kỳ thi mà còn rất cân nhắc khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Ảnh: Như Ý
TP - Ngày mai, 22/7, thí sinh đăng ký xét tuyển sinh đại học (ĐH) và nhóm ngành sư phạm thuộc hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp bằng kết quả thi THPT quốc gia 2019 chính thức được điều chỉnh nguyện vọng. Những tưởng khi đã biết điểm thì việc lựa chọn ngành, trường sẽ dễ hơn. Nhưng thực tế, không hẳn như vậy.

Trò chơi “may rủi”

Mùa tuyển sinh 2017 là một kỷ niệm có lẽ không bao giờ quên đối với N.N.H. học chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, năm đó, N.N.H thi đạt 24 điểm tổ hợp D01. Thích học Kinh tế nên em đăng ký vào ngành Quản trị kinh doanh và Kinh tế của trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Kinh tế quốc dân. Đến khi đổi nguyện vọng, dự đoán mức điểm đó vẫn có cơ hội nên em chỉ thay đổi thứ tự ưu tiên chứ không bổ sung nguyện vọng.

Tuy nhiên, đến khi công bố điểm chuẩn, N.H trượt tất cả các nguyện vọng. Đau đớn hơn, trước đó, N.H đã nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và đã trúng tuyển vào Học viện Báo chí tuyên truyền và Học viện Tài chính. Nhưng em đã bỏ qua không nhập học. Cuối cùng, H lựa chọn một chương trình liên kết của ĐH Ngoại thương để học. Và ngành mà H học, không liên quan đến những ngành mà em đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Như thông lệ hàng năm, sau khi biết kết quả thi, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, phụ huynh, thí sinh đều có chung một câu hỏi: được bằng này điểm, có đủ để đỗ vào trường A, B, C nào đó không? Fanpage, đường dây nóng của các trường ĐH cũng “nóng ran” vì những câu hỏi này. Nhưng có lẽ, lo lắng nhất chính là những thí sinh ở ngưỡng điểm “chấp chới”.

Có con năm nay vào ĐH, chị Phan Hoài Nhân (Đống Đa, Hà Nội) lo đến mất ăn mất ngủ. Con chị thi đạt trên 20 điểm đối với tổ hợp D01. Với mức điểm này, cả gia đình đang đau đầu lựa chọn trường, chọn ngành cho con. Vì trường, ngành con thích thì cơ hội không có do điểm chỉ trên mức sàn của những trường này. Nên giờ, phương án là hoặc chỉ đỗ ĐH hoặc năm sau thi lại. 

Gia đình anh Hoàng Quốc Trường ở Việt Trì, Phú Thọ còn đau đầu hơn. Con trai anh Trường đạt 25,25 điểm tổ hợp B00. Đợt đăng ký xét tuyển sinh ĐH hồi tháng 4/2019, con lựa chọn ngành Y đa khoa của trường ĐH Y Hà Nội. Thế nhưng, theo anh được biết năm nay, ngành này của trường ĐH Y Hà Nội giảm 100 chỉ tiêu so với năm 2018, trường lại vừa công bố có 47 thí sinh được tuyển thẳng vào ngành này.

Tuyển sinh 2019: Chọn nghề hay nghề chọn? ảnh 1 Nhiều trường ĐH tung “hỏa mù” về điểm sàn khiến thí sinh, phu huynh lo mất ăn mất ngủ.

Nên với mức điểm của con anh, cơ hội trúng tuyển vào ngành y đa khoa của ĐH Y Hà Nội là không tưởng. Bài toán cân não của gia đình anh hiện giờ là cơ hội để con vào học y đa khoa của trường ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Hải Phòng là bao nhiêu? Thời gian qua, con và gia đình chỉ tập trung tìm hiểu ngành y đa khoa của các trường. Đến giờ, với mức điểm không đạt được như mong muốn, nếu lựa chọn ngành khác để có cơ hội vào ĐH thì biết lựa chọn ngành nào?

Một thế khó nữa của phụ huynh và thí sinh đó là nhiều trường ĐH tung “hỏa mù” về điểm sàn. Từ sau khi tổ chức thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT cũng buông điểm sàn. Đến năm 2018, chỉ giữ lại điểm sàn cho ngành sư phạm, năm nay thêm ngành sức khỏe. Còn lại, các trường tự xác định sàn cho riêng mình.

Cũng chính vì được tự xác định nên nhiều trường “tặc lưỡi” lấy luôn từ mức bình quân 5 điểm/môn. Thí sinh thì tưởng điểm chuẩn cũng chỉ tương đương hoặc hơn sàn 1-2 điểm. Nhưng không ngờ có ngành điểm chuẩn vọt lên 5-7 điểm so với điểm sàn. Thế là “ván bài” điểm sàn - điểm chuẩn, thí sinh thua đau mà không hiểu lý do vì sao.

Thí sinh phải thận trọng

Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy số sinh viên tốt nghiệp làm việc theo đúng ngành được đào tạo trong tổng số 220.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2018 là 66.877 sinh viên; liên quan đến ngành đào tạo là 26.250 sinh viên; không liên quan đến ngành đào tạo là 23.251 sinh viên. Số liệu này cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp phải làm những công việc không đúng ngành đào tạo còn khá cao. 

Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, báo cáo cũng chỉ ra số lượng sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp cao đẳng làm việc không đúng ngành khá cao (xấp xỉ 25%), tỷ lệ này cũng tương đương đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH. Theo các chuyên gia, khi tham gia các tọa đàm, hội thảo  về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, câu hỏi mà họ thường nhận được nhiều nhất là làm thế nào để biết bản thân hợp nghề gì.

Thực tế là đa số học sinh phổ thông, ngay cả sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ mơ hồ về định hướng nghề nghiệp. Chính vì vậy mà từ lâu, thuật ngữ “ngồi nhầm trường, học nhầm nghề” xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều sinh viên không thích ngành mình đang học; có sinh viên học chuyên ngành cũng thấy hứng thú nhưng lại không biết học xong ra trường mình sẽ làm nghề gì. Số lượng sinh viên lựa chọn một trường ĐH “tạm trú” năm đầu để thi lại vào trường ĐH khác, ngành khác không phải là ít. Tất nhiên vẫn có những sinh viên xác định rõ mục tiêu của mình từ khi còn học phổ thông và không ngừng phấn đấu để đạt được mục tiêu đó.

Nguyên nhân do thiếu thông tin, do không được định hướng đầy đủ, do không xác định được sở thích, năng lực thực sự của mình, một số em đã chọn nghề một cách cầu may hoặc theo phong trào, theo bạn bè (xu hướng đám đông), theo sự gợi ý của ai đó (nhất là của gia đình).

Chính vì vậy, có một thời gian ngành tài chính rất “hot”, nhiều học sinh khá giỏi khối A một chút là nhảy vào ngành này, dù có thể học những ngành khác cùng khối. Nhưng không phải ai cũng thực sự có năng lực với các dự báo tài chính, với việc thẩm định dự án, với biến động của thị trường chứng khoán…, nhất là khi ngành ngân hàng đột ngột hạ nhiệt sau khủng hoảng tài chính, nên ngay khi còn học thì một số người đã thấy mình chọn nhầm. Hay một số em chọn ngành kiến trúc, mỹ thuật nhưng thực ra chỉ ổn ở đoạn thi đầu vào, còn quá trình học và hình thành nghề nghiệp thì quá khó khăn, bởi khả năng sáng tạo hạn chế, nên có người rốt cuộc chỉ làm thợ vẽ…

Chia sẻ rất nhiều trên các diễn đàn cũng như tư vấn trực tiếp cho thí sinh, ông Phạm Mạnh Hà, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng nhiều em lựa chọn nghề nghiệp vẫn dựa theo cảm tính hơn là sự hiểu biết. Các em dễ dàng bị thu hút bởi tên của ngành, lựa chọn trường “oách” mà không hiểu rõ về ngành nghề đó cũng như không lượng sức mình dẫn đến việc chọn sai nghề hoặc cơ hội vào đại học thấp. 

“Chọn nghề nghiệp vì nghề đó hot, coi nó là công cụ kiếm tiền và thăng tiến có nghĩa là các em đã thất bại ngay từ đầu trong việc định hướng. Nghề nghiệp cũng như con người, nếu không cùng nó phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải”, ông Hà bày tỏ.

Theo ông, để quyết định lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê hay theo xu thế thời thượng, các em cần biết các nguyên tắc: chỉ nên chọn nghề mà bản thân có đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn ngành, nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ; không chọn ngành xã hội không có nhu cầu và chọn nghề đáp ứng được những giá trị bản thân, coi trọng và có ý nghĩa.

MỚI - NÓNG