Sáng 7/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị với các địa phương để sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành bốn văn bản, đề án; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của một số địa phương và xem xét Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Bộ trình Chính phủ xem xét dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) và ban hành bốn nghị định, 13 quyết định, hai công điện; xem xét tám dự thảo nghị định, một dự thảo Nghị quyết thực hiện Kết luận số 50 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư, hai văn bản hợp nhất. Sở Nội vụ các địa phương đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành 145 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ.
Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Nội vụ các địa phương đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh thực hiện sắp xếp đối với 115 tổ chức bộ máy hành chính bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và 226 đơn vị sự nghiệp công lập.
Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đã tinh giản 127 người, trong đó, có 12 người là công chức.
“Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng xin nghỉ việc, thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, các Sở Nội vụ đã tham mưu tuyển dụng 14.244 công chức, viên chức (công chức là 2.242 người, viên chức là 12.002 người), kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc.
Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm
Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Đáng chú ý, theo báo cáo của 63 địa phương, trong 6 tháng đầu năm có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật.
Đến hết tháng 6/2023, 96 bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, 55 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu đạt 100%.
Một trong những tồn tại, hạn chế được Bộ Nội vụ chỉ ra là, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối, dẫn đến các đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, chất lượng cung ứng dịch vụ.
Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và số lượng người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp chưa được cơ cấu lại phù hợp với tỷ lệ mức độ tự chủ chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập. Một số bộ, ngành, địa phương triển khai vị trí việc làm còn chậm.
“Hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này cần phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá một cách trung thực, khách quan để tìm ra nguyên nhân đích thực và có giải pháp phù hợp" - báo cáo nêu.
Cũng theo báo cáo, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ.