> Philippines tiếp tục kiện Trung Quốc dù đơn phương
> Trung Quốc: Đưa tranh chấp biển Đông ra tòa án quốc tế là sai lầm!
> Kiện Trung Quốc về Biển Đông: Philippines không đơn độc
Người dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc. |
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) ra ngày 21-2, ngay sau khi Trung Quốc phớt lờ - như đã dự kiến - thời hạn 30 ngày tính đến ngày 21-2 về việc bổ nhiệm một thẩm phán nhằm giải quyết đơn kiện của Philippines lên tòa án quốc tế của Liên hợp quốc về vụ tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Đông, Manila sẽ có quyền tự do thúc đẩy vụ kiện mà không cần sự đồng ý của Bắc Kinh trong một hành động được coi là hiếm khi xảy ra từ trước đến nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động của Philippines. Philippines không nên thực hiện bất kỳ biện pháp nào làm vấn đề thêm phức tạp.”
Các chuyên gia phân tích cho rằng tuyên bố này của Trung Quốc là một hành động nguy hiểm.
Tuy nhiên, dường như Philippines đã quyết tâm theo đuổi hành động khởi kiện của mình, một hành động đang được cả khu vực theo dõi chặt chẽ trong sự lo lắng.
Theo các luật sư và các chuyên gia, việc Trung Quốc từ chối cử ra một thẩm phán riêng đại diện cho nước này tham gia vào ban hội thẩm 5 người sẽ không ngăn chặn được tiến trình diễn ra phiên tòa theo yêu cầu của Philippines, và cũng không cho Trung Quốc một quyền lợi pháp lý để phớt lờ bất kỳ sự phán quyết nào mà nước này không hài lòng trong tương lai.
Việc thực thi phán quyết có hiệu quả hay không lại là một vấn đề khác. Một thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines đã khẳng định rằng ban hội thẩm của vụ xử sẽ được thành lập cho dù “có hay không có sự tham gia của Trung Quốc”.
Theo tiến trình xử lý thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký, giờ đây Manila có 2 tuần để đề nghị Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển bổ nhiệm một thẩm phán thay thế vị trí mà Trung Quốc bỏ trống trong ban hội thẩm.
Chánh án của tòa án có trụ sở tại Hamburg (Đức) này từng là nhà ngoại giao Nhật Bản Shunji Yanai, trong khi hiện Trung Quốc cũng có một thẩm phán làm việc tại tòa án này là Chi Quốc Cao. Manila đã chọn thẩm phán người Đức Rudiger Wolfrum để đề nghị bổ sung vào chỗ trống của Trung Quốc.
Những thủ tục tương tự sẽ tiếp tục diễn ra nếu hai bên không thể nhất trí về ba thẩm phán còn lại trong ban hội thẩm. Ngay khi ban hội thẩm được triệu tập họp, việc đầu tiên của họ sẽ là quyết định xem họ có muốn tiến hành vụ xử dự kiến sẽ mất từ 3-4 năm hay không.
Tiến sĩ Ian Storey, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói rằng hiện vẫn cần phải chờ xem liệu việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện có ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định nào của ban hội thẩm về việc có thúc đẩy tiến hành vụ xử hay không.
Tiến sĩ Ian Storey nhấn mạnh: “Chắc chắn Philippines đã lường trước được nguy cơ của việc Trung Quốc không tham gia và họ vẫn quyết tâm thúc đẩy vụ kiện. Bất cứ điều gì xảy ra từ đây sẽ tạo thêm sức ép đối với Trung Quốc trong việc làm rõ những tuyên bố chủ quyền của họ, cả về ý nghĩa thực tế của đường chín đoạn, và cả về những chứng cứ lịch sử cho đường chín đoạn”.
Theo Vietnamplus