Tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân Hà Nội

TPO - Ứng dụng iHanoi là kênh tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, mang tới những thông tin hữu ích, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh tới người dân ở mọi khía cạnh cuộc sống.

Trong tham luận gửi đến Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" "do báo Tiền Phong tổ chức sáng 2/10, ông Hoàng Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm truyền thông điện tử thành phố Hà Nội nhấn mạnh, thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác chuyển đổi số, nhất là những cơ chế, chính sách, chương trình phát triển.

Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thống nhất, đồng bộ công tác chỉ đạo, thực hiện hợp nhất 3 ban chỉ đạo: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ "về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" thành một ban chỉ đạo chung.

Thành phố cũng ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo bảo đảm công tác chỉ đạo thống nhất, tổng thể, thể hiện rõ trách nhiệm của từng ngành trong công tác này.

Tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân Hà Nội ảnh 1

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PV.

Ngay từ đầu năm 2024, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024” nhằm hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung; hoàn thành triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước thành phố; triển khai cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số...

Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành một loạt quy chế, quy định liên quan như Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội, Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; Danh mục dữ liệu mở; Quy chế khai thác, chia sẻ dữ liệu; Mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị... "Đây là những cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn tới", ông Bằng thông tin.

Tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội đã bấm nút vận hành chính thức ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi).

Sứ mệnh của iHaNoi, theo ông Bằng, là kênh tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ứng dụng cũng mang tới những thông tin hữu ích, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh tới người dân ở mọi khía cạnh cuộc sống, gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp…

Tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân Hà Nội ảnh 2

Ông Hoàng Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm truyền thông điện tử thành phố Hà Nội trong một hội nghị tập huấn triển khai ứng dụng iHanoi. Ảnh: PV.

Với thông điệp “Chạm để kết nối”, Ứng dụng iHanoi mang ý nghĩa chỉ cần một chạm là có thể kết nối với cơ quan chính quyền, một chạm là có thể theo dõi các tình hình tin tức mới nhất của Hà Nội và một chạm có thể sử dụng các tiện ích đô thị thông minh.

"Một đặc điểm quan trọng trên ứng dụng này là mỗi công dân sẽ được cấp một tài khoản số duy nhất, chỉ với một “chạm để kết nối” có thể sử dụng tất cả các ứng dụng, tiện ích, dịch vụ phát triển trên môi trường điện tử của Thủ đô trong thời gian tới", ông Bằng nêu.

Giám đốc Trung tâm truyền thông điện tử thành phố Hà Nội nhấn mạnh, iHaNoi được thiết kế là một nền tảng dữ liệu mở, cho phép dễ dàng tích hợp, chia sẻ thông tin với các hệ thống khác. Với tiện ích đô thị thông minh, tương lai người dân sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều tiện ích như tra cứu điểm đỗ xe và đặt chỗ trước, thanh toán không tiền mặt. Thông qua camera giao thông trên ứng dụng, người dân có thể chủ động lựa chọn lộ trình đi phù hợp, tránh ách tắc thông qua dữ liệu ảnh tức thời tại các tuyến đường trong giờ cao điểm.

Ứng dụng iHanoi cũng cung cấp tiện ích Sổ sức khỏe điện tử - ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người dân sinh sống trên địa bàn thành phố suốt đời. Dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử được bảo mật, người dân có quyền quyết định chia sẻ hay không chia sẻ các thông tin cá nhân...

Sau ba tháng đi vào vận hành (từ 28/6/2024 đến nay), ứng dụng iHaNoi đã có hơn 1 triệu người dân, doanh nghiệp và 100% công chức, viên chức thuộc thành phố tạo tài khoản với hơn 8 triệu lượt truy cập; tiếp nhận hơn 9.000 phản ánh, kiến nghị, trong đó đã xử lý đạt hơn 75%. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra bão số 3 (Yagi) (từ ngày 6/9 đến ngày 11/9/2024), iHanoi đã tiếp nhận 110 phản ánh về bão, lũ, cây xanh gãy đổ,… và đã được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Ứng dụng đã cập nhật 315 bản tin tuyên truyền về công tác phòng, chống cơn bão số 3; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão ...

MỚI - NÓNG
 Rực rỡ Mù Cang Chải mùa lúa chín
Rực rỡ Mù Cang Chải mùa lúa chín
TPO - Đầu tháng 10, những thửa ruộng bậc thang tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái bắt đầu vào mùa gặt, tràn ngập sắc vàng rực rỡ của lúa chín. Tuy ảnh hưởng của mưa lũ nhưng nơi đây vẫn thu hút đông đảo khách du lịch với vẻ đẹp tự nhiên làm mê mẩn lòng người.