Càng khó khăn, gian khổ, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” càng tỏa sáng
Tại phiên thảo luận ngày 9/11, phát biểu tại điểm cầu TPHCM, đại biểu Quốc hội Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn quân đã quán triệt nhận thức sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”; phương châm “Tìm đến Nhân dân để biết Nhân dân cần gì, không để Nhân dân phải tìm đến Bộ đội”. Các đơn vị trong toàn quân đã phối hợp với Bộ, ngành, địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực, vừa quyết liệt chống dịch, vừa bảo đảm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Nâng cao khả năng dự báo và sử dụng lực lượng, phương tiện của quân đội chủ động, kịp thời, đúng lúc, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chống dịch COVID-19.
"Có đồng chí bị nhiễm, điều trị khỏi tình nguyện ở lại phục vụ; nhiều đồng chí có người thân qua đời, đã nén đau thương ở lại đơn vị chống dịch”, Thiếu tướng Phan Văn Xựng.
Theo Thiếu tướng Phan Văn Xựng, trong các đợt dịch bùng phát, Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động, tăng cường lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cao nhất, tốt nhất, hiện đại nhất hỗ trợ cho các địa phương. Đặc biệt hỗ trợ cho TPHCM và các tỉnh phía Nam hơn 133.114 quân (Bộ đội 33.459, dân quân tự vệ 99.655). Riêng lực lượng Quân y tăng cường 9.758 đồng chí; triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với 6.550 giường bệnh, thành lập 660 tổ Quân y cơ động, 510 tổ vắc xin, 1.125 tổ lấy mẫu xét nghiệm…
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam, chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, huy động bộ đội, dân quân tự vệ tổ chức lực lượng tuần tra, chốt chặn, tiếp tế lương thực, thực phẩm; phối hợp bảo đảm an sinh.
“Sự phối hợp giữa các lực lượng tuyến đầu chống dịch: Y tế, Quân đội, Công an thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch nhịp nhàng, chặt chẽ - tất cả đều vì sức khỏe của bệnh nhân”, đại biểu Xựng cho hay.
Cùng với triển khai, huy động nguồn lực tham gia phòng, chống dịch, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan, TPHCM và các tỉnh phía Nam thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị thiếu đói; tham gia đề xuất chế độ, chính sách cho các đối tượng. Toàn quân sử dụng 6.162 chuyến xe tải, 3 chuyến tàu thủy, 156 chuyến máy bay, vận chuyển 25.457 tấn hàng hóa. Đồng thời giúp dân thu hoạch nông sản, vận chuyển trên 15 triệu túi an sinh đến từng hộ gia đình cho người dân.
Lực lượng cũng tổ chức khâm liệm, hỏa táng người tử vong do Covid-19; tiếp nhận, bảo quản, bàn giao tro cốt cho gia đình có người thân chu đáo. “Đây là nhiệm vụ chưa có trong tiền lệ, nhưng cán bộ, chiến sĩ, dân quân nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, coi người mất như người thân của mình, phục vụ với tinh thần tận tâm, tận tình, trân trọng. Hiện nay, Quân đội đang phối hợp với các cơ quan chức năng bàn giao kỷ vật người tử vong do COVID-19 cho gia đình. Có thể nói, càng khó khăn, gian khổ, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” càng tỏa sáng”, Thiếu tướng Phan Văn Xựng bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Phan Văn Xựng phát biểu tại điểm cầu TPHCM |
Nén đau thương ở lại đơn vị chống dịch
Đại biểu đoàn TPHCM cũng cho biết, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã có những chủ trương, biện pháp quyết liệt, sáng tạo trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt từ khi các bộ, ngành Trung ương nói chung, Bộ Quốc phòng nói riêng vào cuộc; góp phần tiếp thêm sức mạnh cho hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở, từ đó công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn, Nhân dân tin tưởng hơn, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. “Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch có kết quả, sớm kiểm soát và khống chế dịch bệnh”, ông Xựng nói.
“Nhận thức “Quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”; quan điểm “Tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”; “Muốn chống dịch phải vào tâm dịch”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có trên 4.000 đồng chí bị nhiễm; những cán bộ, chiến sỹ Quân đội luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính tổ chức, tính kỷ luật nghiêm; luôn chủ động, sáng tạo; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, có đồng chí bị nhiễm, điều trị khỏi tình nguyện ở lại phục vụ; nhiều đồng chí có người thân qua đời, đã nén đau thương ở lại đơn vị chống dịch”, Thiếu tướng Phan Văn Xựng chia sẻ.
Hiện nay tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đại biểu đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các ngành chức năng chủ động dự báo và có các kịch bản chỉ đạo phòng, chống dịch hiệu quả theo tinh thần nghị quyết 128 của Chính phủ. Tránh để bùng phát như vừa qua, gây ra mất mát lớn về kinh tế, xã hội, tính mạng của Nhân dân.